Là du học sinh bậc thạc sĩ tại Đại học Bristol, Anh theo học bổng Think Big Scholarship, Lan về nước ngày 20/3 khi số ca nhiễm Covid-19 tại Anh tăng mạnh. Trong valy gần 20 kg cô mang về có đến 15 kg là sách và laptop, còn lại là vài bộ quần áo. Lan muốn duy trì việc học online khi về nước và nghĩ sẽ sớm quay lại Anh nên đặt vé khứ hồi vào cuối tháng 4.
Theo kế hoạch, Lan sẽ hoàn thành chương trình học, thi hết môn vào giữa tháng 5, sau đó bắt đầu kỳ thực tập ba tháng. Là một trong ba sinh viên có thành tích tốt nhất khóa, Lan được trường sắp xếp thực tập tại công ty có tiếng ở Anh vào đầu tháng 6. Cô dự định dùng khoảng thời gian này để học hỏi, làm việc tạo thu nhập, đồng thời lên kế hoạch giành học bổng học tiếp lên tiến sĩ.
Tuy nhiên, Covid-19 diễn biến phức tạp tại các nước châu Âu đã làm mọi dự định của Lan sụp đổ. Đại học Bristol đã hủy kỳ thực tập của sinh viên, thay vào đó Lan phải nghiên cứu lý thuyết một đề tài khoa học để bù vào. "Do không được lên thư viện, mình thiếu tài liệu và cũng không ở Anh để thu thập số liệu thực tế. Thực sự mình không biết phải hoàn thành nghiên cứu này như nào", Lan chia sẻ.
Cô gái 23 tuổi nói thêm, kể cả bây giờ có đường bay đến Anh, việc quay lại cũng "không để làm gì" vì trường đóng cửa, không thể gặp giáo viên và bạn bè, mọi hoạt động vẫn phải làm online.
Việc gián đoạn học tập còn khiến kế hoạch giành học bổng để học lên tiến sĩ của Lan không thể thực hiện. Kỳ tuyển sinh tiến sĩ năm nay đã kết thúc sớm do Covid-19. Vì về Việt Nam, Lan không thể làm xong hồ sơ và "thành tích cũng không tốt như mong muốn" để giành học bổng.
Do nghĩ sẽ sớm trở lại Anh nên Lan không trả nhà, toàn bộ đồ đạc vẫn để lại. Hiện mỗi tháng Lan phải chi trả 16 triệu đồng tiền thuê nhà dù không ở một ngày nào. Do sống một mình, Lan không thể nhờ bạn cắt hợp đồng hoặc đóng gói đồ rồi gửi về Việt Nam giúp. Trường hợp Đại học Bristol cho học online đến hết kỳ một năm sau, cô đã nghĩ "một là quay lại Anh chỉ để lấy đồ, hai là bỏ hết".
Lan thừa nhận, Covid-19 và việc về Việt Nam tránh dịch khiến cô tốn kém tiền bạc đồng thời phải đánh đổi nhiều dự định quan trọng của tương lai, sự nghiệp. "Là người tham vọng, luôn xây dựng mục tiêu rõ ràng nên tình trạng vô định bây giờ khiến mình rất buồn và stress", Lan nói.
Tuy nhiên, Lan không hối hận vì về nước. "Lúc khó khăn được ở gần bố mẹ, an toàn sống tại Việt Nam là may mắn đối với mình", Lan khẳng định.
Nguyễn Ngọc Linh, 28 tuổi, đang học thạc sĩ ngành truyền thông tại Đại học Milan, Italy cũng về nước tránh dịch từ ngày 11/3. Sau hơn hai tháng, Linh chưa thể trở lại Italy để hoàn thành kỳ thực tập cuối cùng trước khi ra trường. "Phần lớn đường bay đến Italy vẫn hạn chế và trường chưa có lịch học tập trung nên mình vẫn ở Hà Nội nghe ngóng", cô giải thích.
Tại Italy, Linh ở cùng phòng với ba bạn khác, cũng là người Việt Nam. Hiện chỉ còn một bạn ở lại, ba người khác đã về nước và tháng 7 này sẽ hết hạn thuê nhà. Theo dự định ban đầu, sau khi trả nhà, Linh sẽ đăng ký thực tập tại một thành phố khác của Italy hoặc một quốc gia châu Âu để tìm kiếm cơ hội việc làm, chuẩn bị cho kế hoạch định cư. Thế nhưng công ty từ chối thực tập, giải thích Covid-19 khiến kinh tế khó khăn nên không nhận sinh viên nữa.
Giải thích lý do không bảo lưu kết quả học tập, về Việt Nam một năm rồi trở lại Italy hoàn thành việc học khi Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, Linh chia sẻ đã học được hai năm, chỉ còn sáu tháng cuối nên muốn cố nốt để ra trường.
Thời gian tới Linh sẽ cố gắng giữ tinh thần lạc quan, tranh thủ viết sách và học thêm các kỹ năng mềm khác. Linh chia sẻ dù phải đánh đổi nhiều thứ khi về nước tránh dịch, cô vẫn không hối hận vì "chuyện học hay khó khăn thì đều có cách giải quyết, quan trọng là sức khỏe".
Là du học sinh bậc thạc sĩ tại Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh, Trung Quốc, Đỗ Phương Uyên, 23 tuổi, về nước từ Tết Nguyên đán, chưa thể quay lại trường học tập trung dù năm học sắp hết.
Uyên đến Trung Quốc tháng 9/2019 theo học bổng toàn phần, ngành Công nghệ sinh học rừng. Mỗi tháng, ngoài học phí và tiền ở ký túc xá, cô được nhận thêm 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng) chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, từ khi về nước, Uyên không được nhận khoản tiền này.
Uyên chia sẻ thấy mặc cảm khi phải xin bố mẹ nên cố gắng chi tiêu tiết kiệm. Cô cũng tính đi làm thêm nhưng dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, kiếm một việc liên quan đến chuyên ngành không dễ. Ngoài ra, Uyên vẫn tham gia các lớp học online, không có thời gian để đi làm. Nếu có xin việc, Uyên cũng không thể đảm bảo sẽ làm lâu dài vì khi nào trường thông báo, cô phải trở lại Trung Quốc ngay.
Dù tiết kiệm đến mức nào, số tiền còn lại của Uyên cũng sắp hết. "Chắc mình sẽ vay thêm bạn bè, hoặc cùng lắm sẽ nói với bố mẹ, xin hỗ trợ chứ cũng không biết làm như nào nữa", cô nói.
Theo kế hoạch, Uyên bắt đầu học thực hành trên phòng thì nghiệm từ tháng 2, tức sau khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc. Do ngành học có tính ứng dụng và đặc thù cao, thời gian thực hành của Uyên phải kéo dài 6-12 tháng, tùy thuộc kết quả thí nghiệm. Tuy nhiên, vì chưa thể quay lại Trung Quốc, Uyên gặp nhiều áp lực trong phần thực hành vì phải hoàn thành trong thời gian ngắn để không làm ảnh hưởng đến lộ trình tốt nghiệp, học lên tiến sĩ và định cư.
Uyên cho biết, nếu trường chưa có lệnh mà tự ý bay sang thì sẽ phải cách ly đóng phí trong bệnh viện, bị phạt và thậm chí trục xuất. Hiện cô vẫn theo dõi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc và thông báo của trường, mong sớm được trở lại học tập để tiếp tục theo đuổi dự định cá nhân.
Thanh Hằng