Nghe lời hướng dẫn, cô chuyển khoản 1.500 reais (285 USD), bằng tiền phí sinh hoạt trong một tháng, cho người này. Sau đó, Xaiana mòn mỏi chờ đợi cả tuần để nhận một vỉ thuốc 8 viên màu trắng không nhãn hiệu. Thuốc hiệu quả như cô mong đợi. Xaiana đã phá thai tại nhà cùng bạn trai, kết thúc thai kỳ 8 tuần.
Dù vậy, cô vẫn rong kinh trong nhiều tuần - một biến chứng bất thường nhưng không hiếm gặp. "Mỗi tối, phòng tắm của tôi giống như hiện trường một vụ ám sát vậy", cô nói.
Xaiana không dám nhờ cậy bất cứ ai, bởi phá thai bằng thuốc tại Brazil là bất hợp pháp. Nếu đến bệnh viện, cô sợ trường hợp của mình sẽ bị phát giác và báo cáo cho cảnh sát. Hình phạt cho việc phá thai ở Brazil lên tới ba năm tù.
"Đó là quãng thời gian đơn độc nhất trong cuộc đời tôi", cô kể lại.
Sau 7 tuần, cô tới một phòng khám phụ khoa và thừa nhận đã bỏ thai. Bác sĩ kê đơn cầm máu, không ai báo cáo vụ việc này.
Brazil ban đầu chỉ cấm phẫu thuật nạo phá thai, song đạo luật được mở rộng sau khi phá thai bằng thuốc trở nên phổ biến hơn. Kể từ 2006, khi nước này cấm hoàn toàn phân phối thuốc phá thai, hầu hết nguồn cung thuốc rơi vào tay những kẻ buôn bán ma túy, dược phẩm trái phép. Phụ nữ mua thuốc không được đảm bảo tính an toàn và chất lượng của sản phẩm. Nếu có biến chứng, họ cũng không dám tìm kiếm sự giúp đỡ.
Một trong những loại thuốc phá thai phổ biến là misoprostol (Cytotec). Thuốc nhập từ Ấn Độ, Mexico và Argentina, bán ở chợ đen với giá từ 200 đến 400 USD liều 8 viên, mức giá cao hơn nhiều so với 15 USD cho 60 viên ở Mỹ.
"Bạn mua thuốc từ đại lý và không biết nó là gì. Toàn bộ quá trình được thực hiện một cách bí mật. Thật đáng sợ, đây chẳng phải là thuốc nữa. Misoprostol từng là hình thức phá thai đơn giản, ít phức tạp hơn (so với nạo hút), giờ đây nó trở thành mặt hàng buôn lậu", Maira Marques, Giám đốc chiến dịch vận động tiếp cận phá thai của tổ chức Milhas pelas Vidas das Mulheres, cho biết.
Thực tế, misoprostol một trong hai loại thuốc khác nhau của liệu trình phá thai tiêu chuẩn, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt. Loại thuốc còn lại là mifepristone. Cả hai được sử dụng trong vòng 10 tuần đầu thai kỳ. Misoprostol và mifepristone uống cách nhau từ 24 đến 48 giờ để ngăn chặn sự phát triển của phôi thai. Sau đó, thuốc gây ra các cơn co thắt tương tự sảy thai để đào thải phôi thai ra ngoài. Quá trình này thường gây ra chảy máu tương tự kinh nguyệt, nhưng lượng máu nhiều hơn. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Lancet cho thấy 8% người sử dụng misoprostol gặp phải các biến chứng, như chảy máu và đau bụng, cần được chăm sóc y tế.
Các tổ chức quốc tế về quyền sinh sản từng gửi thuốc phá thai qua đường bưu điện cho các phụ nữ Brazil, tìm nguồn cung uy tín kèm hướng dẫn sử dụng an toàn. Tuy nhiên thời gian gần đây, các hoạt động này bị ngừng hoàn toàn do bối cảnh chính trị, khiến phụ nữ gặp nhiều khó khăn. Nhiều người buộc phải tìm đến nguồn cung không chính thống.
Sau khi quyết định không muốn mang thai, một nhà xã hội học tại Rio đã đến gặp bác sĩ phụ khoa, hỏi về thuốc misoprostol và nhận được câu trả lời: "Tôi có thuốc, nhưng không thể kê đơn được. Cô sẽ phải mua từ chợ đen".
Cô tìm thấy một trang web trực tuyến, đặt trước đơn hàng trị giá vài tháng lương, song chưa từng nhận được thuốc như mong đợi. Cô tìm kiếm đầu mối bán thuốc khác thông qua một người bạn, thành công đặt mua và uống thuốc tại nhà, kết thúc thai kỳ mà không gặp biến chứng nào.
Một năm sau, cô nhận được lệnh triệu tập từ cảnh sát. Họ đã điều tra trang web nơi cô thực hiện giao dịch mua misoprostol, truy tìm đầu mối gói hàng và nói rằng sẽ cáo buộc cô tội mua bán chất cấm. Sau nhiều phiên điều trần, cô phải thực hiện án phạt thay thế và hoàn thành 60 giờ phục vụ cộng đồng, bị cấm rời bang đang sinh sống.
Hạn chế tiếp cận thuốc cũng khiến nhiều phụ nữ không tuân thủ hướng dẫn, sử dụng thuốc một cách thiếu an toàn. Một giáo viên 24 tuổi tại Recife đã mua misoprostol từ một người buôn bán ma túy năm ngoái và xem chỉ dẫn trên Google. Sau khi uống thuốc, cô chảy máu nhiều tuần, nhưng vẫn giấu nhẹm mọi chuyện vì mẹ cô là một nhà hoạt động chống phá thai.
Cuối cùng, khi các triệu chứng nghiêm trọng hơn, cô nói với mẹ mình đã sảy thai và được đưa đến bệnh viện nạo hút.
"Khi nạo thai, tôi nhắc đi nhắc lại với bản thân 'Đừng tiết lộ điều gì'. Nó giống như tra tấn vậy. Dù hoàn toàn chắc chắn về quyết định phá thai, việc phải giữ bí mật với mọi người khiến tôi có cảm giác mình đã làm điều gì sai trái", cô nói.
Thục Linh (Theo NY Times)