Tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang, bệnh nhân cho biết đã ba lần sinh mổ. Trong đó, bé thứ ba được hơn hai tuổi nên không có ý định sinh thêm. Gần đây, chị thỉnh thoảng bị ra máu, nghĩ là kinh nguyệt bình thường, không có biểu hiện ốm nghén nên không biết có thai. Sau khi thử que lên hai vạch, nghĩ thai mới, còn nhỏ nên chị tự xử lý bằng thuốc tại nhà.
Sau đó, sản phụ đau bụng từng cơn, ra máu âm đạo, da xanh, niêm mạc nhợt, được người nhà đưa đi viện cấp cứu. Các bác sĩ siêu âm, xác định bệnh nhân có thai 22 tuần dọa sảy, cơn co tử cung mau và mạnh, có huyết cục chảy ra theo đường âm đạo.
Thai phụ được chỉ định dùng thuốc giảm co tích cực nhưng không thành công, thai bị sẩy, băng huyết ồ ạt sau 7 tiếng nhập viện. Kíp trực cầm máu đồng thời hồi sức tích cực, truyền dịch, truyền máu và thuốc co hồi tử cung.
Lúc này, tình trạng thai phụ vẫn nguy kịch, huyết áp tụt còn 60/40 mmHg, sốc mất máu nặng do vỡ sẹo mổ tử cung kèm sẩy thai, băng huyết và nhau cài răng lược. Báo động đỏ toàn viện vang lên, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức để phẫu thuật gấp. Lúc này, người bệnh có dấu hiệu trụy mạch, ngừng tim, đồng tử hai bên mắt giãn, tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc", bác sĩ Lê Công Tước, Giám đốc bệnh viện, ngày 4/3, cho biết.
Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền máu, duy trì thuốc vận mạch, an thần, đồng thời phải bảo vệ não và các tạng (phổi, thận...) để không bị ảnh hưởng. Người bệnh từng phẫu thuật lấy thai ba lần, tử cung đã dính chặt vào các tạng nhất là bàng quang và niệu quản nên càng khó khăn. "Chỉ một mao mạch nhỏ li ti chảy máu cũng sẽ đe dọa tính mạng nên các thao tác mổ phải tỉ mỉ, cẩn thận", bác sĩ nói.
Sau 7 tiếng phẫu thuật, sản phụ được truyền 6 đơn vị khối hồng cầu và 5 đơn vị huyết tương, thoát cơn nguy kịch, cầm máu an toàn. Chị tiếp tục được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, chăm sóc toàn diện để nâng cao thể trạng.
Theo bác sĩ Tước, phá thai bằng thuốc được chỉ định khi thai dưới 7 tuần tuổi, siêu âm thai phải làm tổ trong buồng tử cung và người mẹ không mắc các bệnh lý như tim mạch hay các bệnh về máu khác... Thuốc sẽ không có hiệu quả đối với trường hợp thai nhi ngoài tử cung.
Phương pháp phá thai bằng thuốc (phá thai nội khoa) được đánh giá an toàn, hiệu quả nhưng với điều kiện tiên quyết là phải thực hiện dưới sự chỉ định và theo dõi sát sao của bác sĩ. Thai phụ không được tự ý mua thuốc về phá thai tại nhà vì rất dễ xảy ra tai biến băng huyết, nhiễm trùng đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng.
Sau khi phá thai, sản phụ cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để cơ thể nhanh hồi phục, đồng thời nên tái khám để tránh gặp phải những biến chứng ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.
Hiền Chúc