Ý kiến tranh luận nhiều nhất của các bậc phụ huynh thời điểm này là việc cho các con đi học hay nghỉ? Trong đó đại bộ phận đều đề nghị cho học sinh nghỉ thêm. Liệu điều này có phải do tâm lý lo sợ thái quá của các bậc phụ huynh?
Xét về Covid-19 thì virus này lây lan thuộc dạng nhanh nhất từ trước đến nay. Thời gian ủ bệnh dài, 14 ngày, có nghiên cứu đưa ra là 24 ngày. Có thể lây lan cả trong thời gian ủ bệnh.
Hiện chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng chống. Tỉ lệ tử vong tạm tính hiện thấp, 2%, nhưng số lượng người nhiễm quá lớn, dẫn đến số người tử vong rất cao.
Tử vong do bệnh nền, do sức đề kháng thấp, và còn do quá tải bệnh nhân không được điều trị đầy đủ. Có thể nói đây là loại virus nguy hiểm.
Trung Quốc đang là tâm bão dịch với số lượng 63.851 ca nhiễm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng tới nay, Việt Nam đang làm rất tốt việc phòng chống dịch Covid-19 với số lượng chỉ 16 ca nhiễm, mặc dù Việt Nam là một trong những nước có giao thương lớn với Trung Quốc.
Làm được điều đó cá nhân tôi nghĩ là do nhà chức trách đã có các biện pháp quyết liệt ngay từ đầu, chú trọng vào khâu phòng bệnh nhiều hơn. Cụ thể là cho toàn bộ học sinh sinh viên nghỉ học, dừng tất cả các lễ hội, hạn chế tụ họp đông người, thực hiện và đưa ra các khuyến cáo hướng dẫn phòng chống bệnh... Điều này đã được chứng minh là rất hiệu quả trong việc kiểm soát dịch.
Hiện tại, tâm bão dịch vẫn chưa thấy đỉnh, WHO thì tuyên bố "không biết chính xác dịch bệnh này sẽ đi đến đâu... Một trong những nguyên nhân khiến chúng tôi khó dự đoán là chúng tôi vẫn chưa biết nhiều về virus" nghĩa là các nguy cơ vẫn còn tiềm ẩn ngoài kia.
Trước diễn biến dịch phức tạp như vậy, nếu cho học sinh đi học lại sau ngày 16/2, nghĩa là gỡ bỏ đi một biện pháp phòng bệnh hàng đầu đang áp dụng. Chắc chắn làm cho phụ huynh không thể yên tâm cho con đến trường.
Bài học của Trung Quốc đang còn ngay trước mắt, đó là coi thường dịch thời gian đầu, và bây giờ cái giá phải trả quá lớn, có thể là lớn nhất trong lịch sử chống dịch bệnh của nước này. Nhiều quan chức bị sa thải, nhiều người chịu trách nhiệm. Nhưng những điều đó không có ý nghĩa gì với sinh mạng của hàng nghìn người chết vì dịch bệnh, kinh tế đình trệ "như thời trung cổ" (theo nhận xét của WHO).
>> 'Tăng nghỉ Tết, hè học bù để học sinh tránh virus corona'
Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn vàng phòng chống dịch, mong chính quyền các cấp hãy tận dụng thời gian này để tiếp tục phát huy các biện pháp phòng dịch đang hiệu quả. Dịch là một loại thiên tai, không phải năm nào cũng vậy, không nên vì một số khó khăn trước mắt mà có thể để dẫn đến những hậu quả lớn hơn có thể không lường trước được.
Phụ huynh sẽ gặp phải các vấn đề khó khăn khi cho con nghỉ học như: công việc bị xáo trộn, ảnh hưởng thu nhập vì phải nghỉ ở nhà trông con, nhiều nhà neo người không có người trông con, đôn đáo gửi khắp nơi... Nhưng chỉ cần nghĩ đơn giản thế này, nếu học sinh nghỉ học là một vấn đề khó khăn với phụ huynh, vậy năm nào các em cũng đều nghỉ hè tới 2-3 tháng, khi đó không khó khăn với các bậc phụ huynh hay sao?
Vậy hãy coi đợt nghỉ này của các con là nghỉ hè đi, các vị sẽ thấy nó không phải là vấn đề nữa. Với các thầy cô giáo sẽ thiệt thòi vì học sinh nghỉ mà thầy cô không được nghỉ, còn dạy bù trong hè thì vẫn phải dạy. Tuy nhiên nếu so sánh với các phụ huynh làm cơ quan công ty khác, thì họ đi làm quanh năm có được nghỉ hè bao giờ đâu, điều đó cũng đâu ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Nên tôi nghĩ thầy cô cũng không nề hà việc mình có chút thiệt thòi vì sức khỏe và tương lai các em đâu.
>> Tiền mặt - ổ virus tiềm ẩn trong thời dịch nCoV
Và thực tế hầu như cũng không có mấy thầy cô lên tiếng về việc thiệt thòi này, tôi trân trọng điều này ở các thầy cô. Có phụ huynh so sánh Việt Nam với Nhật, với Mỹ... rằng họ vẫn cho học sinh đi học. Việc so sánh như vậy là khập khiễng.
Sĩ số học sinh trung bình các nước phát triển là 21 em/1 lớp, còn Việt Nam là bao nhiêu, các vị có so không? Điều kiện vệ sinh công cộng của họ như thế nào, các vị có so không? Văn hóa của họ khác ta, đặc biệt là việc ăn uống rất độc lập, riêng tư. Việc giết mổ động vật sống được kiểm soát tập trung qua hệ thống siêu thị, hầu như người dân không trực tiếp tiếp xúc bao giờ, chúng ta có vậy không? Việt Nam có nhiều điểm văn hóa tương đồng Trung Quốc, cá nhân vẫn giết mổ và bán động vật sống, giao tiếp thân mật gần gũi, ăn uống gắp chung đũa chung bát, điều kiện và ý thức vệ sinh công cộng chưa tốt đồng đều... vì vậy nguy cơ dịch lây lan cao hơn.
Với các lý do nêu trên, mong muốn của đại đa số phụ huynh đề nghị cho học sinh được tiếp tục nghỉ học cho đến khi tình hình dịch bệnh chung thực sự lắng xuống là hoàn toàn hợp lý. Và việc nghỉ học đề nghị được nghỉ đồng đều giữa các tỉnh, tránh trường hợp lệch lạc về tiến độ học tập thi cử giữa các địa phương, và cũng thể hiện sự đồng lòng của toàn quốc trong phòng chống dịch bệnh. Thời gian nghỉ học sẽ học bù vào thời gian nghỉ hè.
>> Khạc nhổ gây khiếp đảm mùa dịch
Trong thời gian nghỉ học, đề nghị các thầy cô tích cực gửi bài online cho các con tự ôn luyện ở nhà để hạn chế mai một kiến thức. Về việc khẩu trang, có khuyến cáo cho rằng không cần đeo khẩu trang thường xuyên, chỉ khi cần thiết tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bệnh? Điều này theo tôi không nên. Thời gian ủ bệnh 14 ngày thậm chí 24 ngày, có thể lây khi đang ủ bệnh, vậy thì ai biết được mình bị bệnh, ai biết được là mình tiếp xúc với người nghi bệnh mà đeo khẩu trang?
Khẩu trang vốn là 1 trong những dụng cụ phòng bệnh hàng đầu chống các loại dịch. Nếu thị trường thiếu khẩu trang y tế, và có thể cũng chưa cần thiết đến khẩu trang y tế, thì các cấp nên khuyến cáo người dân dùng khẩu trang vải, có thể giặt lại được, song song với các biện pháp khác như rửa tay, hạn chế tiếp xúc gần... Chứ khuyến cáo không cần đeo khẩu trang thì rất nguy hiểm. Rất mong các cấp chính quyền lắng nghe ý kiến của người dân để mọi người cùng đồng lòng chung tay đẩy lùi dịch bệnh
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.