Chạy xe máy một quãng đường 20km để đi làm (chưa tính chiều về) hằng ngày, tôi có dịp chứng kiến nhiều thói xấu của người Việt trên đường. Một trong những thói xấu xí nhất là khạc nhổ bừa bãi.
Đi đằng sau, nhìn lên phía trước, cứ thấy ai khom khom người, mặt nghiêng nghiêng sang một bên là chắc chắn họ sắp phun ra một bãi nước bọt. Đây chẳng phải là thói xấu của riêng một tầng lớp nào khi anh công nhân, chị văn phòng đi xe máy, cả người ngồi trong ôtô nếu muốn khạc nhổ, họ chỉ cần hạ kính.
Vào quán ăn, có lẽ trừ nhà hàng sang trọng ra thì dưới sàn quán bình dân và lề đường tràn ngập giấy ăn. Ít phút trước đó, những tờ giấy này được một số người dùng sau khi hỷ mũi sột sột đã đời. Kinh dị hơn, cảm thấy khạc nhổ chưa đủ đô, nhiều người ngậm nước trong họng, súc ùng ục rồi vô tư phun ra đường.
Hay ngay trong lúc nước sôi lửa bỏng dịch cúm do chủng mới virus corona này, nhiều người ra đường đeo hai, ba lớp khẩu trang kín mít nhưng vẫn sẵn sàng kéo khẩu trang xuống để nhổ toẹt một phát.
Trong khi báo đài nói rất nhiều việc virus nCoV sẽ theo những giọt nước bọt li ti để lây nhiễm cho người mới.
Ùn ùn mua khẩu trang, đeo khẩu trang những sẵng sàng ho, khạc nhổ nơi công cộng. Họ chỉ biết sạch cho bản thân mình mà mặc kệ người khác. Việc khạc nhổ lung tung ở nơi công cộng này có lẽ là một căn bệnh trầm kha, một vấn đề "có tính lịch sự" được di truyền qua nhiều thế hệ.
Nhưng tại sao vẫn chưa khắc phục triệt để? Có lẽ do thực thi luật ở ta còn lỏng lẻo, vì hiếm thấy ai bị phạt vì khạc nhổ lung tung nên họ chưa biết sợ là gì.
Người Việt có câu "Nghèo cho sạch, rách cho thơm", nghèo cần sạch sẽ thì khá giả, giàu có càng cần giữ sạch sẽ hơn nữa. Vậy mà trong khi xã hội ngày càng phát triển thì lại còn tồn một số đông người không chịu văn minh. Kinh tế dù cho có phát triển ngày càng cao mà lối sống vẫn giậm chân tại chỗ thì chất lượng cuộc sống không thể nào thay đổi tốt hơn được. Tôi hy vọng sau đại dịch này sẽ thay đổi ý thức của mọi người.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.