Các gia đình Trung Quốc đang bắt đầu cảm thấy sức ép giảm phát thải carbon từ chính quyền vì tiền điện tăng cao vào mùa hè và nguồn cung điện hạn chế, buộc chính quyền địa phương phải cắt điện luân phiên.
Tình trạng mất điện ở một số tỉnh phía bắc Trung Quốc khiến đèn đường và đèn giao thông ngừng hoạt động cuối tuần trước, gây ùn tắc hàng km ở một số thành phố. Người dân chung cư cao tầng phải đi thang bộ do ban quản lý tòa nhà dừng thang máy để tiết kiệm điện.
Video trên báo Beijing News cho thấy xe cộ tắc nghẽn trên con đường cao tốc ở thủ phủ Thẩm Dương tuần trước, khi không có đèn giao thông hay đèn đường do mất điện.
"Cắt điện 8 lần một ngày, 4 ngày liên tục. Tôi không còn gì để nói", một người dân Liêu Ninh bày tỏ.
Những người khác phàn nàn rằng các trung tâm mua sắm đóng cửa sớm, một cửa hàng tiện lợi phải dùng nến. "Cảm giác như đang sống ở Triều Tiên vậy", một người viết.
Đài truyền hình CCTV đưa tin một nhà máy ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc, phải đưa 23 công nhân nhập viện do ngộ độc khí CO2 sau khi quạt thông gió ngừng hoạt động vì mất điện.
Goldman Sachs ngày 28/9 hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thường niên của Trung Quốc khi thiếu điện ảnh hưởng tới hàng triệu hộ gia đình và nhà máy, bao gồm một số nhà máy sản xuất đơn hàng cho Apple và Tesla. Ít nhất 17 tỉnh và khu vực chiếm 66% tổng sản phẩm quốc nội cả nước đã thông báo một số hình thức cắt điện trong những tháng gần đây, chủ yếu vào ngành công nghiệp nặng, theo Bloomberg Intelligence.
Gần 60% nền kinh tế Trung Quốc sử dụng nhiệt điện, nhưng nguồn cung gián đoạn do đại dịch, cũng như áp lực giảm phát thải và giảm nhập khẩu than đá do căng thẳng thương mại với Australia.
Công ty điện lực Bắc Kinh cho hay sắp tới sẽ có hàng loạt đợt cắt điện ở thủ đô, có khi kéo dài gần 10 tiếng, trong "kế hoạch bảo trì". Vành đai công nghiệp nặng ở đông bắc thành phố, với hàng nghìn lò xi măng và lò luyện thép ngốn điện, là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Lý do chính gây thiếu điện ở miền bắc Trung Quốc là giá than tăng và nguồn cung thiếu hụt, còn ở miền nam là do thủy điện. Các tỉnh phía nam Trung Quốc như Quảng Đông bị thiếu điện từ tháng 6, khi chính quyền địa phương yêu cầu các nhà máy sản xuất phân bổ nguồn điện hợp lý và cắt giảm sản lượng.
30% lượng điện mà Quảng Đông sử dụng lấy từ thủy điện từ tỉnh Vân Nam. Nhưng mùa hè ấm hơn bình thường khiến các hồ thủy điện cạn kiệt, trong khi đơn xuất khẩu tăng cao khiến nhu cầu điện công nghiệp ở Quảng Đông tăng đột biến, đã dẫn tới tình trạng thiếu điện.
Nhu cầu thủy điện ở Vân Nam cũng tăng vọt. Việc Bắc Kinh thúc đẩy cắt giảm phát thải carbon trong lĩnh vực công nghiệp buộc các nhà máy luyện nhôm phải chuyển tới các tỉnh giàu nguồn thủy điện.
Ở các tỉnh phía bắc, nơi phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, chính quyền các tỉnh khó đáp ứng quy định phát thải carbon mà Bắc Kinh đưa ra năm 2019.
"Một số tỉnh đã vượt quá mục tiêu phát thải vào tháng 8 và họ buộc phải cắt điện luân phiên", David Fishman, chuyên gia tư vấn của công ty năng lượng Lantau, nói.
Nhưng theo ông, chính sách giảm phát thải mà chính phủ Trung Quốc đưa ra chỉ là nguyên nhân thứ yếu gây thiếu điện. Thủ phạm chính là giá than tăng và khí đốt tăng gấp đôi ở Trung Quốc trong năm nay do nhu cầu "hậu đại dịch" trên toàn cầu hồi sinh. Không riêng Trung Quốc, nước Anh cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng tới mức đe dọa nguồn cung cấp thực phẩm.
Tại Quảng Đông hôm 27/9, nơi nhiệt độ lên tới 33 độ C, các hộ gia đình được yêu cầu tắt điều hòa. Chính quyền địa phương cho phép các nhà cung cấp điện tăng giá bán. Fishman nhận định đây là điều tốt.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta được tìm hiểu người Trung Quốc sẵn sàng trả thêm bao nhiêu tiền cho nhiên liệu hóa thạch", Fishman nói. "Nếu muốn tiếp cận thị trường theo hướng cắt giảm phát thải carbon, phải biết được người dùng sẵn sàng trả bao nhiêu cho tiền điện".
Hồng Hạnh (Theo AFP/Fortune)