Đúng một năm trước, tôi viết bài "Ngày xuân, bàn về bốn trụ cột phát triển kinh tế" như một đóng góp nho nhỏ của một người con đất Việt cho sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội của nước nhà. Và sau một năm, tôi rất vui mừng vì tất cả trụ cột kinh tế mà tôi đề cập tới đã và đang được thực hiện một cách triệt để. Một mùa xuân nữa lại đến với tràn đầy hy vọng cho đất nước và con người Việt Nam, tôi lại dành thời gian để chia sẻ với độc giả VnExpress về một vấn đề đã và đang được nhiều người quan tâm: đầu tư chứng khoán trong năm 2025.
Tôi xin bắt đầu từ TTCK ở Mỹ, nơi tôi đang giảng dạy, nghiên cứu, và tham gia đầu tư. Trong hai năm vừa qua, chỉ số thị trường S&P 500, chỉ số chứng khoán Mỹ phổ biến nhất và được nhiều tổ chức sử dụng nhất khi nghiên cứu và sử dụng, đã tăng khoảng 23% trong năm 2024, và đã tăng khoảng 25% trong năm 2023. Nếu nhìn lại số liệu, có thể thấy rất ít khi S&P 500 tăng 20% hoặc hơn trong hai năm liên tiếp.
Thực ra, chỉ có bốn lần trong lịch sử chỉ số, S&P 500 đã tăng 20% hoặc hơn trong hai năm liên tiếp. Ba trong số bốn lần sau khi chỉ số S&P 500 tăng 20% hoặc hơn trong hai năm liên tiếp, năm tiếp theo chỉ số này đã bị giảm mạnh. Lịch sử có thể lập lại hoặc không, không ai dự đoán được tương lai chính xác của bất kỳ TTCK nào. Cá nhân tôi xin được nhìn nhận rằng chỉ số S&P 500 sẽ tăng trưởng dưới mức 23% trong năm 2025.
Một dấu hiệu khác thường nữa là chỉ số PE của S&P 500 đang dao động ở mức cao hơn mức được cho là tốt trong năm vừa qua, cụ thể, chỉ số PE của S&P 500 vào những ngày đầu năm 2025 là 25. Nếu nhìn lại lịch sử, sự sa sút của TTCK Mỹ, thậm chí cả bong bóng cũng đã xảy ra khi chỉ số PE của S&P 500 cao hơn mức được xem là tốt, tức là dưới 20. Chỉ số PE là mối quan hệ (tỉ lệ) giữa giá trị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu.
Khi chỉ số PE của một cổ phiếu quá cao, cổ phiếu đó có thể được coi là quá giá (overpriced), tuy nhiên, cần một số yếu tố khác nữa để kết luận một cổ phiếu đang có giá quá cao hay không? Phải chăng chỉ số PE của S&P 500 đang cao phần nào giải thích tại sao nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã không mua vào nhiều trong thời gian gần đây mà để đã trữ một lượng tiền mặt khổng lồ cho Berkshire Hathaway.
>> 67 triệu đồng ra đi sau bốn ngày chơi chứng khoán cùng bạn Facebook
Khác với lịch sử lâu dài, ngày nay 33% giá trị của chỉ số S&P 500 được tạo ra bởi chỉ 10 công ty lớn nhất nước Mỹ với đa số là công ty công nghệ, trong khi chỉ số này bao gồm 500 công ty có vốn hóa lớn nhất TTCK Mỹ. Điều này đương nhiên tạo thêm rủi ro cho chỉ số S&P 500 nói riêng và cho toàn bộ TTCK Mỹ nói chung. Đáng lưu ý là, bong bóng công nghệ xảy ra vào những năm 2000s trong lúc 10 công ty lớn nhất nước Mỹ chiếm 27% giá trị của chỉ số.
Nếu nhìn rộng ra hơn, 10 công ty có vốn hóa lớn nhất Mỹ cũng là 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thế giới và chiếm tới 26% vốn hóa toàn cầu. Vì vậy, rủi ro của TTCK Mỹ đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến TTCK toàn cầu. Theo tôi, năm 2025, TTCK toàn cầu sẽ có nhiều rủi ro hơn năm 2024 không chỉ do chênh lệch đáng kể về vốn hóa giữa các công ty, ngành nghề, mà còn do rủi ro về địa chính trị và các yếu tố khác trong một thế giới bất ổn ngày nay.
Tiếp đến, chúng ta nên bàn về một hiện tượng mà không ai muốn nói tới hoặc nghĩ tới trong đầu tư chứng khoán dù ở bất cứ thị trường nào: bong bóng. Theo Howard Marks, nhà đầu tư và nghiên cứu thị trường chứng khoán huyền thoại người Mỹ, bong bóng trên TTCK xảy ra khi có bốn hiện tượng sau đây:
1. Khi có sự phấn khích quá đáng về thị trường;
2. Quá tự tin về chứng khoán mà người đầu tư nắm giữ;
3. Nỗi sợ mất cơ hội đầu tư khi thị trường đang nóng;
4. Nhà đầu tư cho rằng không có giá nào là quá cao.
Hiện tại, có rất ít nhà đầu tư cho rằng TTCK Mỹ đang có bong bóng vì tỷ lệ thất nghiệp đang thấp, lợi nhuận các doanh nghiệp chưa sụt giảm, và hy vọng cải thiện kinh tế của chính quyền mới được bầu vẫn tích cực. Tuy nhiên, một phần nhà đầu tư cho rằng giá trị của các tập đoàn công nghệ và của cả TTCK Mỹ hiện tại là quá cao.
Dự đoán chính xác thời điểm xảy ra bong bóng là điều không đơn giản. Giống như không ai dự đoán chính xác bong bóng hoa tulip ở Hà Lan vào những năm 1630, bong bóng The South Sea năm 1720, bong bóng bất động sản và chứng khoán Nhật Bản những năm 1980, bong bóng công nghệ những năm 1990, và bong bóng bất động sản Mỹ những năm 2000... Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho mình một kế hoạch cụ thể trong trường hợp bong bóng thực sự xảy ra.
Tốt hơn hết là ngay từ bây giờ và bất cứ lúc nào, các nhà đầu tư cũng nên phân bổ doanh mục đầu tư của mình một cách đa dạng và thiết thực để giảm rủi ro xuống mức thấp nhất có thể trong khi vẫn có lợi nhuận hợp lý. Trong đầu tư, không có sản phẩm tài chính nào có thể mang đến lợi nhuận cao nhất với rủi ro ít nhất. Lợi nhuận cao thường đi đôi với rủi ro cao.
TTCK Việt Nam, có tổng vốn hóa khoảng 280 tỷ USD vào đầu năm 2025 (trong khi vốn hóa của công ty Nvida là 3.000 tỷ USD), đã hoạt động từ tháng 7/2020 với chỉ số VN Index đạt đỉnh 1,526 vào ngày 1/2/2022. Trong 10 năm qua, VN Index đã tăng khoảng 115%, tức là quân bình khoảng 11.5% một năm trong khi TTCK Mỹ đã tăng 13% quân bình một năm trong cùng thời gian. Như vậy, TTCK Việt Nam tăng ít hơn, đó là chưa tính đến tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thường cao hơn Mỹ. Tuy nhiên, sự so sánh nào cũng có phần khập khiễng.
Còn chỉ số PE của TTCK Việt Nam thì sao? Chỉ số PE của TTCK Việt Nam là khoảng 14 trong đầu năm 2025. Đây không phải là PE cao so với biên độ giao động của nó: thường là từ 12 đến 18 trong 10 năm qua. 10 công ty đại chúng lớn nhất Việt Nam chiếm khoảng 8% tổng vốn hóa của toàn bộ TTCK Việt Nam, và đây cũng chưa phải là mức báo động. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn có rủi ro hệ thống (systematic risk) khi thị trường toàn cầu suy yếu.
Tôi không có giấy phép hành nghề tư vấn chứng khoán nên không thể tư vấn cho bất kỳ ai mua hoặc bán bất kỳ mã chứng khoán nào? Tôi chỉ đánh giá các công ty đại chúng và TTCK Việt Nam một cách khách quan nhất. Quyết định giao dịch là quyết định riêng của mỗi nhà đầu tư.
Theo cá nhân tôi, trong năm 2025, TTCK Việt Nam sẽ tăng trưởng tương đương năm 2024. Khác với TTCK Mỹ, rủi ro bong bóng của TTCK Việt Nam là rất ít xảy ra. Tôi ghi nhận và lạc quan về sự đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tinh giản bộ máy hành chính và tập trung thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật như là một đòn bẩy chiến lược. Chỉ vài thập kỷ nữa thôi, với dân số đang già đi, Việt Nam có thể không còn lợi thế về nhân công trẻ rồi rào nữa. Khi đó, quốc gia nào có khoa học kỹ thuật mạnh và cao sẽ chiếm được lợi thế cạnh tranh.
>> Trắng tay vì đầu tư 'mù' chứng khoán
Chúng ta nên đầu tư gì trong năm 2025 để có lợi nhuận cao nhất? Đây là câu hỏi rất phổ biến nhưng rất khó vì không ai "nhìn" được tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.
Về chứng khoán, có lẽ nhóm công nghệ sẽ vươn lên hơn nữa và giữ ngôi đầu về tăng trưởng. Đồng thời đã đến lúc các nhà đầu tư nên nghĩ đến việc mua những chứng chỉ quỹ thị trường (Index ETF) uy tín để đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm rủi ro, thay vì tốn công sức và thời gian phân tích những cổ phiếu riêng lẻ hoặc lướt sóng. Thậm chí, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett luôn khuyên các cá nhân mua quỹ chỉ số S&P 500 thay vì mua chứng khoán lẻ vì không phải ai cũng là "chuyên gia" chứng khoán được. Tôi nghe nói rằng quỹ ETF không phổ biến và không được ưa chuộng tại Việt Nam, nhưng hy vọng chất lượng các quỹ này sẽ ngày càng được cải thiện và có tính thanh khoản cao.
Ngoài chiến lược lựa chọn danh mục đầu tư, chúng ta cũng nên chuẩn bị một tâm lý đầu tư là phải lâu dài, không tham lam, và luôn tâm niệm rằng mọi sản phẩm tài chính đều có rủi ro dù ít hay nhiều. Một nhà đầu tư được coi là thành công khi người đó có lợi nhuận mỗi năm cao hơn lợi nhuận của cả thị trường. Để làm được điều đó là vô cùng khó khăn. Nếu không thắng được thị trường, tại sao chúng ta không mua cả thị trường cho an nhàn mà phải tìm mua cổ phiếu lẻ?
Vàng luôn là kênh đầu tư an toàn hơn các kênh khác, đặc biệt là nhu cầu dự trữ, đầu tư, và sử dụng vàng ở Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trên thế giới. Vàng là thứ hiện hữu còn lại khi TTCK hoặc thị trường trái phiếu sụp đổ, và cả khi có thiên tai, chiến tranh, hoặc dịch bệnh xảy ra. Nhưng theo tôi, năm 2025, vàng khó có thể có một năm tốt hơn 2024 được. Mỗi nhà đầu tư Việt Nam nên có ít nhất 10% vàng trong tổng số tài sản đầu tư của mình. Về thị trường trái phiếu, tôi không có nhận định tốt được vì bản thân đã lâu không sống liên tục tại Việt Nam nên tôi không xác thực được độ tin cậy của trái phiếu. Tuy nhiên, mỗi danh mục đầu tư nên có khoảng 10% là trái phiếu chính phủ.
Bất động sản, một kênh đầu tư truyền thống cho người Việt, vẫn sẽ có một năm 2025 sôi động. Nhưng theo tôi bất động sản công nghiệp sẽ vươn mình mạnh mẽ hơn các phân khúc khác khi Việt Nam đang thúc đẩy gia công và xuất khẩu khi Trung Quốc không còn là "nhà xưởng" ưu thích của Mỹ nữa. Như vậy, bất động sản nên chiếm đa số trong tổng danh mục đầu tư. Nhưng không phải ai cũng có thể đầu tư bất động sản được vì vấn đề vốn quá lớn. Trong bối cảnh giá bất động sản đang lên chóng mặt thì việc mua nhà ở là vô cùng khó khăn cho hầu hết người lao động. Việc này tạo ra một thị trường tiềm năng hơn bao giờ hết là cho thuê nhà ở dài hạn với mức giá vừa túi tiền người dân lao động.
Hy vọng bài viết đã phần nào mang đến cho độc giả một góp nhìn đầu tư cho năm 2025. Xin luôn nhớ rằng, trước khi đầu tư, mỗi cá nhân nên tìm kiếm tư vấn từ các chuyên gia thực sự có kiến thức và kinh nghiệm tài chính.
- Ảo tưởng giàu nhanh nhờ chứng khoán
- Khánh kiệt tuổi 30 vì nghiện đầu tư chứng khoán, tiền ảo
- Tuyệt vọng trong ma trận chứng khoán
- Đầu tư chứng khoán thay vì làm mồi cho cá mập Bitcoin
- Bốn nguyên tắc giúp tôi giữ mình khi chơi chứng khoán
- 'Sai lầm nếu rời bỏ thị trường chứng khoán lúc này'