Quan chức Mỹ cho biết quân đội Nga đã phóng hơn 400 tên lửa các loại trong 6 ngày đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó phần lớn là tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM). Trong những giờ đầu chiến sự, Nga đã khai hỏa hơn 160 tên lửa từ mặt đất, tàu chiến và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ chiến lược vào các mục tiêu khác nhau ở Ukraine.
"Đây là đòn công kích bằng SRBM dữ dội chưa từng thấy giữa hai quốc gia chung biên giới trong xung đột. Những gì chúng ta chứng kiến ở Ukraine phản ánh cách quân đội nhiều nước có thể sử dụng tên lửa đạn đạo với độ chính xác cao trong những cuộc chiến tương lai", Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Timothy Wright, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho rằng Nga đã tận dụng triệt để loại SRBM duy nhất trong biên chế là hệ thống Iskander-M.
Iskander là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, khối lượng phóng 3,8 tấn, tầm bắn tối đa 500 km, có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.
Điểm nổi bật của Iskander là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng tính năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Loại tên lửa này tham gia thực chiến lần đầu vào năm 2008 tại Gruzia, có thể đánh trúng mục tiêu với sai số 2-5 m. "Nó có khả năng tấn công chính xác và hủy diệt mục tiêu được giao", Wright nói, thêm rằng Nga sở hữu khoảng 150 bệ phóng Iskander.
Có một số dấu hiệu cho thấy Nga cũng sử dụng tên lửa đạn đạo OTR-21 Tochka, vốn được thay thế bởi hệ thống Iskander trong những năm qua. "Nga vẫn biên chế một số bệ phóng và có nhiều khí tài niêm cất, họ có thể đưa chúng vào chiến đấu thay vì tháo dỡ", Wright nhận xét.
Mục tiêu và mức độ thiệt hại do các tên lửa này gây ra vẫn chưa được làm rõ do tình hình chiến sự căng thẳng, nhưng giới phân tích cho rằng có nhiều đòn đánh nhắm tới các căn cứ không quân Ukraine. Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine nói rằng tên lửa Iskander phóng từ lãnh thổ Belarus đã đánh trúng sân bay ở Zhytomyr, miền bắc nước này, hôm 27/2.
"Chúng ta đã thấy thiệt hại ở sân bay, có vẻ chúng tương đối chính xác", Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí ở Mỹ, nhận xét.
Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu quốc tại IISS, cho rằng một số đòn tấn công bằng vũ khí chưa rõ chủng loại nhằm vào các sân bay Ukraine có quy mô tương đối hạn chế, trong một số trường hợp còn đánh vào khu vực máy bay loại biên hoặc đang niêm cất, thay vì phá hủy các phi cơ sẵn sàng chiến đấu.
Ukraine biên chế một số hệ thống phòng không lục quân S-300V từ thời Liên Xô có khả năng chống tên lửa đạn đạo, nhưng chưa rõ chúng có tham gia đánh chặn tên lửa Nga hay không. Một số xe chiến đấu thuộc hệ thống S-300V đã bị phá hủy trong các đòn công kích.
Quan chức Mỹ giấu tên hôm 27/2 cho biết có dấu hiệu một số tên lửa Nga gặp trục trặc khi phóng. "Đó không phải đa số, nhưng chúng tôi tin rằng một số vụ phóng không thành công", người này cho hay.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho rằng Nga chưa thể hiện toàn bộ năng lực không quân và tên lửa, nhưng nhiều khả năng sẽ tăng cường độ tấn công trong những ngày tới để chế áp những hệ thống phòng không còn sót lại của Ukraine.
"Không tấn công triệt để các khí tài Ukraine là điểm đáng ngạc nhiên so với phương thức tác chiến thông thường của Nga, nhiều khả năng điều đó cho phép Ukraine củng cố mạng lưới phòng thủ", báo cáo của ISW có đoạn.
Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu vũ khí tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế ở Nga, cho rằng Moskva có thể ngần ngại không kích diện rộng vì thiếu dữ liệu trinh sát và dẫn bắn theo thời gian thực, nhưng khả năng cao hơn là quân đội Nga muốn hạn chế tối đa thương vong cho dân thường Ukraine.
"Iskander-M là hệ thống có uy lực và độ chính xác rất cao, nhưng nguy cơ gây thiệt hại ngoài ý muốn sẽ tăng theo số lượng vũ khí và mức độ dữ dội của đòn tấn công. Bài học cho những nước sở hữu SRBM là chúng có thể được dùng một cách hạn chế và cẩn trọng, phóng toàn bộ kho tên lửa cùng lúc không phải giải pháp duy nhất", ông nói.
Nga sở hữu kho tên lửa hành trình và đạn đạo lớn nhất thế giới, nhưng nhiều nước cũng đang xây dựng lực lượng tên lửa hiện đại vì lo ngại an ninh. Giới chuyên gia nhận định từ những gì diễn ra ở Ukraine, một số nước sẽ tăng cường phát triển tên lửa thông thường có tầm bắn và tốc độ ngày càng lớn, mang đầu đạn ngày càng uy lực cùng những hệ thống điện tử phức tạp chưa từng thấy.
Trung Quốc đang chế tạo hàng loạt tên lửa đạn đạo DF-26 với tầm bắn tới 4.000 km, trong khi Washington phát triển nhiều vũ khí mới nhằm đối phó Bắc Kinh ở Thái Bình Dương. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng thúc đẩy năng lực tên lửa nội địa, cùng những lá chắn để ngăn chặn tên lửa từ đối phương.
Triều Tiên đã thử nghiệm hàng loạt mẫu SRBM trong những năm qua, trong đó có loại mang thiết kế tương đồng với dòng Iskander-M. Giới phân tích cho rằng SRBM Triều Tiên không thể đe dọa lãnh thổ Mỹ, nhưng trong trường hợp xung đột nổ ra, chúng có thể được dùng trong đòn tấn công mở đầu nhằm vào sân bay, trận địa phòng không và cơ sở quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, tương tự cách Nga công kích Ukraine hiện nay.
"Quân đội Trung Quốc và Triều Tiên đang theo dõi sát diễn biến chiến sự tại Ukraine ngay lúc này", Markus Garlauskas, cựu sĩ quan tình báo Mỹ về Triều Tiên, cho hay.
Vũ Anh (Theo Reuters)