Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn hơn tỷ lệ người trong độ tuổi phụ thuộc. Đây là cơ hội gần như chỉ đến một lần ở mỗi quốc gia trên thế giới, là cơ hội lớn để phát triển đất nước nếu tận dụng tốt. Nhìn sang các nước, có thể thấy Trung Quốc hay Hàn Quốc đã tận dụng tốt cơ hội này để vươn lên thành các cường quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, dân số Việt Nam hiện tại có thực sự là "vàng"? Khi mà lợi thế được nhắc đến nhiều nhất của chúng ta là "nhân lực giá rẻ", còn năng suất lao động thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Và những vùng có mức sinh cao nhất lại rơi vào những vùng kém phát triển (hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc có mức sinh cao nhất: từ 2,5 con/ phụ nữ tuổi sinh đẻ; tỉnh có mức sinh cao nhất là Lai Châu: 3,11 con). Trong khi đó, đầu tàu kinh tế của cả nước là TP HCM chỉ có mức sinh 1,45, hay Bà Rịa - Vũng Tàu là 1,56 con.
Ngày nay, đi đến những nơi như bắc đảo Phú Quốc, vẫn có thể gặp những cặp vợ chồng ngư dân có 4-5 đứa con nhưng sống trong nhà lá dừa. Hỏi sao đẻ nhiều thế, thì ông chồng bảo "buổi tối có việc gì làm đâu nên chẳng đẻ". Trớ trêu thay, những cặp vợ chồng bị tác động nhiều nhất của chính sách đẻ ít con lại là những người có khả năng nuôi dạy những đứa trẻ trong môi trường tốt hơn, giúp tạo ra nhiều nhân lực "vàng" hơn cho đất nước.
>> Nhiều người Việt muốn sinh con trai vì sợ con gái khổ
Chính sách dân số được áp dụng hơn nửa thế kỷ của chúng ta gây tác động mạnh mẽ nhất tới tầng lớp cán bộ công nhân viên chức, những người học cao, có chức vụ, có sự nghiệp. Việc đẻ đến đứa con thứ ba đồng nghĩa với bị kỷ luật, thuyên chuyển công tác hay phạt thi đua của cả cá nhân lẫn tập thể, khả năng thăng tiến trong sự nghiệp gần như không còn. Tuy nhiên, chính sách này lại tác động rất ít đến những tầng lớp khác, đặc biệt là những cặp vợ chồng không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở cho thấy, tính đến 1/4/2019, dân số Việt Nam là hơn 96.2 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm trong mười năm qua là 1,14%. Bình quân mỗi năm Việt Nam tăng khoảng một triệu dân. "Theo mục tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ tăng dân số phải duy trì khoảng 1% đến năm 2020",
Như vậy, có thể nói Việt Nam đã đạt được những thành công trong việc giảm mức sinh.Nhưng điều đáng quan tâm hiện tại của các nhà quản lý và dư luận có lẽ không còn hướng tới số dân, mà có lẽ, câu chuyện được nhắc đến nhiều hơn là nguy cơ "chưa giàu đã già", khi mà Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Quá trình chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già của Việt Nam dự báo chỉ diễn ra trong vòng 15 năm (trong khi quá trình này ở Pháp là 115 năm, Australia là 73 năm, Trung Quốc là 26 năm).
Cuốn Hồi ký Lý Quang Diệu (tập 2) có đoạn: "Nhiều chỉ trích đổ lỗi cho chính phủ là thiếu cân nhắc trong việc thi hành chính sách "ngừng ở hai con" vào những năm của thập niên 60. Điều đó không đúng chăng? Đúng mà cũng không đúng. Nếu không có chính sách đó thì việc kế hoạch hóa gia đình sẽ chẳng bao giờ giảm tỷ lệ tăng dân số, và chúng tôi sẽ không giải quyết được nạn thất nghiệp cũng như khó khăn về trường lớp được. Tuy nhiên, lẽ ra chúng tôi phải biết trước rằng những người học cao sẽ có hai con trở xuống, và những người học thấp sẽ có bốn con hoặc nhiều hơn.
Các cây bút về kế hoạch hóa gia đình phương Tây đã không thu hút sự chú ý về tác động dẫu không rõ ràng nhưng quen thuộc này trong những quốc gia lớn mạnh của họ, bởi vì về mặt chính trị thì không thể thực hiện như vậy. Phải chi chúng tôi nhìn nhận được vấn đề sớm hơn, thì chúng tôi đã cải tiến và định hướng cuộc vận động khác đi, khuyến khích những phụ nữ học cao nên có ba con trở lên ngay sau khi bắt đầu phát động kế hoạch hóa gia đình trong những năm 60. Tiếc thay, chúng tôi không nhận ra điều đó để kịp thay đổi chính sách của mình mãi cho đến năm 1983, khi mà cuộc phân tích điều tra dân số của thập niên 80 đã phát hiện ra những mô hình sinh đẻ thuộc các thành phần kinh tế xã hội khác nhau".
Ông còn nhận ra rằng, những người phụ nữ học cao còn có xu hướng độc thân. Từ đó, chính phủ đã có những chính sách khuyến khích phụ nữ học cao lập gia đình. Kết quả là vào năm 1997, 63% nam giới tốt nghiệp đại học cưới vợ cùng trình độ, so với 32% vào năm 1982.
Cuộc tổng điều tra dân số 2019 hiện đã có những kết quả sơ bộ. Hi vọng rằng với những số liệu cụ thể về cơ cấu dân số mà các nhà quản lý thu được, chúng ta sẽ có nhiều dữ liệu để xây dựng luật dân số mới linh hoạt hơn, góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát huy được tiềm năng dân tộc từ trong chất lượng, chứ không chỉ từ những thống kê về số lượng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.