Lầu Năm Góc tháng trước công bố báo cáo thường niên về sức mạnh quân đội Trung Quốc, đánh giá Bắc Kinh hiện sở hữu lực lượng trên không lớn nhất châu Á và thứ ba thế giới, với dàn máy bay quân sự đông đảo được biên chế cho không quân và hải quân.
Hai lực lượng này đang có khoảng 2.800 phi cơ các loại, không tính máy bay không người lái (UAV) và máy bay huấn luyện. Khoảng 2.250 chiếc trong số đó là máy bay chiến đấu, trong đó 1.800 chiếc là tiêm kích.
Giới quan sát đánh giá không quân Trung Quốc gần đây đã chuyển hình thái tác chiến từ bảo vệ không phận ven biển sang "phòng thủ kết hợp tiến công", xây dựng lực lượng có khả năng triển khai sức mạnh không quân tầm xa để thu hẹp khoảng cách với phương Tây. Động lực chính trong nỗ lực này là khả năng sao chép hàng loạt vũ khí nước ngoài để tạo ra sản phẩm nội địa.
Để thu hẹp khoảng cách với phương Tây và Liên Xô, Trung Quốc từ hàng chục năm trước đã nỗ lực kết hợp chuyển giao công nghệ hợp pháp và hoạt động đảo ngược, sao chép công nghệ của nước khác để phát triển vũ khí nội địa.
Thời Chiến tranh Lạnh, lực lượng chủ lực của không quân Trung Quốc là các phi cơ nội địa được sao chép từ tiêm kích Liên Xô. Điển hình là J-8, mẫu tiêm kích nội địa đầu tiên ra mắt trong thập niên 1980, được phát triển từ nền tảng tiêm kích J-7 sao chép dòng MiG-21.
Đầu thập niên 1990, Trung Quốc bắt đầu mua tiêm kích Su-27 của Nga để tăng cường tiềm lực quân sự và tích lũy kinh nghiệm kỹ thuật. Tổng cộng đã có 48 chiếc Su-27 được Nga sản xuất và bàn giao cho Trung Quốc trong giai đoạn 1992-1996, với tổng giá trị đơn hàng vào khoảng 1,7 tỷ USD.
Theo điều khoản của thỏa thuận, Trung Quốc được phép cùng Nga sản xuất phiên bản tiêm kích nội địa J-11 dựa trên công nghệ của dòng Su-27. Mẫu tiêm kích J-11 giữ nguyên nhiều đặc trưng của dòng tiêm kích hạng nặng chiếm ưu thế trên không Su-27, như pháo 30 mm, 10 mấu cứng gắn tên lửa, tốc độ tối đa Mach 2 và trần bay khoảng 18.000 m.
Đến năm 2004, Trung Quốc chấm dứt sản xuất dòng J-11 và bắt đầu sử dụng kỹ thuật đảo ngược, sao chép công nghệ Su-27 để tự phát triển phiên bản mới J-11B, trái với các điều khoản trong thỏa thuận hợp tác sản xuất với Nga.
Hành động vi phạm hợp đồng này đã ảnh hưởng tới quan hệ Nga - Trung, khiến Moskva thận trọng hơn khi chuyển giao các vũ khí hiện đại cho Bắc Kinh. Khoảng 297 chiếc J-11 với các phiên bản khác nhau đang được biên chế cho cả không quân và không quân hải quân Trung Quốc.
Cuối thập niên 1990, Trung Quốc đặt hàng mua thêm 75 tiêm kích Su-30MKK và 24 tiêm kích Su-30MK2 của Nga. Năm 2015, không quân Trung Quốc ra mắt tiêm kích J-16, được coi là nối tiếp của dòng J-11, nhưng cũng dựa một phần trên tiêm kích Su-30MKK.
Trong khi J-11 có nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, J-16 là tiêm kích đa năng có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ như tấn công mục tiêu trên không và mặt đất. Nó có 12 giá treo vũ khí và được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Hơn 150 chiếc J-16 thuộc nhiều biến thể đang được biên chế cho không quân Trung Quốc. Lực lượng này bắt đầu huấn luyện chiến đấu với biến thể tác chiến điện tử J-16D kể từ tháng 11 năm nay.
Mẫu tiêm kích chiếm đa số trong không quân Trung Quốc hiện nay là J-10, được thiết kế dựa trên tiêm kích IAI Lavi của Israel và ra mắt năm 2005.
Các quan chức chính phủ Mỹ năm 1994 kết luận Israel đã chuyển giao công nghệ tiêm kích Lavi cho Trung Quốc để phát triển một mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ tư từ năm 1992, khi Bắc Kinh và Tel Aviv thiết lập quan hệ ngoại giao. Các nhà thầu Israel đã cung cấp thiết kế khung thân và khí động học cho Trung Quốc để phát triển mẫu J-10.
Đến nay, Trung Quốc đã xuất xưởng khoảng 488 chiếc J-10, biên chế trong đội hình chiến đấu của không quân và không quân hải quân.
Không quân hải quân Trung Quốc cũng sở hữu tiêm kích hạm có định danh J-15. Đây là chiến đấu cơ được sao chép từ một nguyên mẫu thử nghiệm chiến đấu cơ Su-33 mua từ Ukraine, vì Nga không muốn bán chúng cho Trung Quốc.
Ít nhất 34 chiếc J-15 đang trong biên chế không quân hải quân Trung Quốc. Chúng cũng là loại máy bay cánh bằng duy nhất có khả năng hoạt động trên hai tàu sân bay của Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng tiêm kích này đã bộc lộ nhiều hạn chế như khối lượng rỗng quá lớn, ảnh hưởng tới khả năng mang vũ khí và tầm chiến đấu.
Trung Quốc loại biên oanh tạc cơ Q-5 vào năm 2017, hiện chỉ vận hành hai máy bay ném bom chuyên dụng là oanh tạc cơ chiến lược H-6 và tiêm kích bom JH-7.
H-6 được sao chép từ mẫu Tu-16 Liên Xô, là oanh tạc cơ hai động cơ có khả năng mang 10 tấn vũ khí. Nó được cho là có tốc độ khoảng 1.050 km/h và trần bay trên 12 km.
Trung Quốc đang vận hành 230 chiếc H-6, gồm nhiều biến thể trong biên chế hải quân và không quân. Phiên bản H-6K mới nhất được nâng cấp về động cơ và mang được 6 tên lửa hành trình đối đất đất tầm xa, có thể tấn công các mục tiêu ở đảo Guam của Mỹ.
Trong khi đó, biến thể hải quân H-6G và H-6J có thể mang tên lửa hành trình diệt hạm như mẫu YJ-12 đủ sức đe dọa tàu sân bay. Phiên bản H-6N ra mắt lần đầu năm 2019 với khung thân cải tiến để mang tên lửa đạn đạo có thể chứa đầu đạn hạt nhân. Đây cũng là oanh tạc cơ hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc sở hữu năng lực tiếp dầu trên không.
Tháng 10/2020, một chiếc H-6N xuất hiện với vật thể được cho là mô hình tên lửa siêu vượt âm. Lầu Năm Góc nhận định điều này cho thấy Trung Quốc có thể đã thành lập "bộ ba hạt nhân mới".
Trong khi đó, tiêm kích bom JH-7 được thiết kế cho các hoạt động công kích mặt đất và mặt biển cấp chiến thuật. Ra mắt năm 1992, nó được trang bị một pháo 23 mm, có thể mang hơn 7 tấn bom và tên lửa. Khoảng 260 chiếc JH-7 đã được biên chế cho không quân và không quân hải quân Trung Quốc.
Thành tựu đáng tự hào nhất của không quân Trung Quốc là tiêm kích tàng hình J-20, nhưng nhiều chuyên gia phân tích cho rằng dự án này được phát triển dựa trên dữ liệu đánh cắp được từ Mỹ.
Năm 2007, các tin tặc được cho là của Trung Quốc đã tấn công mạng vào tập đoàn Lockheed Martin, đơn vị phát triển tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Năm 2017, tin tặc cũng tấn công các nhà thầu quốc phòng Australia tham gia dự án F-35, lấy đi nhiều thông tin về loại chiến đấu cơ tối tân này.
Những bức ảnh J-20 được Trung Quốc công bố gần đây cho thấy tiêm kích này được trang bị loạt công nghệ vốn được áp dụng trên F-35, trong đó có tổ hợp trinh sát dẫn bắn quang - điện tử (EOTS) nằm dưới mũi máy bay, được sử dụng phát hiện mục tiêu và dẫn dường cho vũ khí thông minh mà không cần tới radar. Giới chuyên gia nhận định hệ thống quang điện tử của J-20 có nhiều điểm tương đồng, có khả năng là bản sao chép từ cụm EOTS trên tiêm kích F-35.
J-20 còn trang bị cụm camera phân bổ khẩu độ (DAS) sau mũi máy bay có thiết kế rất giống hệ thống AN/AAQ-37 trên tiêm kích F-35. Hệ thống Thoát hiểm Kích hoạt bằng nước biển (UWARS) trên tiêm kích tàng hình này cũng được sử dụng phổ biến trên nhiều tiêm kích không quân và hải quân Mỹ.
Thông số kỹ thuật chính xác của dòng tiêm kích J-20 không được công bố, nhưng nó được cho là có tốc độ tối đa 2.500 km/h và bán kính chiến đấu trên 1.000 km.
Khoang vũ khí chính bên trong J-20 có thể chứa bốn tên lửa không đối không tầm trung, cùng hai khoang phụ dọc sườn chứa được tổng cộng hai tên lửa đối không tầm ngắn.
Lầu Năm Góc thừa nhận rằng nỗ lực hiện đại hóa lực lượng, ngay cả khi dựa trên sao chép công nghệ, của Trung Quốc đã giúp không quân nước này nhanh chóng bắt kịp với phương Tây. "Những khí tài đó đang làm suy giảm ưu thế trên bầu trời mà không quân Mỹ từng nắm giữ trong thời gian dài", báo cáo của Lầu Năm Góc có đoạn.
Duy Sơn (Theo Business Insider)