"Quá trình Mỹ rút quân khỏi căn cứ Bagram diễn ra đêm 2/7 mà không có sự phối hợp với chính quyền địa phương. Kết quả là hàng chục người đã đột nhập và cướp phá nhiều tòa nhà trước khi lực lượng Afghanistan giành lại quyền kiểm soát. Một số người bị bắt, số còn lại bị đuổi ra ngoài", Darwaish Raufi, lãnh đạo quận Bagram, phía bắc thủ đô Kabul của Afghanistan, cho biết hôm 2/7.
Lính Mỹ hối hả rút khỏi căn cứ Bagram sau khi Tổng thống Joe Biden yêu cầu Lầu Năm Góc hoàn tất quá trình rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đang đẩy nhanh tiến trình và toàn bộ quá trình rút lực lượng có thể hoàn tất trong tuần này.
![Cổng vào căn cứ Bagram hôm 25/6. Ảnh: AP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/03/bagram-3-5438-1625284404.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=psEbbKHa17-Jmaeu6sK0sA)
Cổng vào căn cứ Bagram hôm 25/6. Ảnh: AP.
"Quá trình bàn giao toàn bộ căn cứ và cơ sở quân sự, bao gồm sân bay Bagram, được phối hợp chặt chẽ với các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sonny Leggett nói.
Sân bay quân sự Bagram là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan, đóng vai trò trung tâm trong cuộc chiến của Washington chống Taliban và nhóm khủng bố al-Qaeda sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Trong giai đoạn cao điểm năm 2012, căn cứ đã tiếp nhận hơn 100.000 binh sĩ Mỹ đến và đi khỏi Afghanistan.
Việc rút toàn bộ lực lượng Mỹ khỏi căn cứ Bagram là động thái mang tính biểu tượng, nằm trong nỗ lực kết thúc cuộc chiến dài 20 năm tại quốc gia này.
Cuộc chiến ở Afghanistan đã ngốn của nước Mỹ hơn 2.000 tỷ USD, khiến 2.355 lính Mỹ thiệt mạng, mà vẫn không đạt được mục tiêu biến quốc gia này thành một "nền dân chủ ổn định". Quân đội Mỹ từ lâu đã từ bỏ mục tiêu giành chiến thắng quân sự tại Afghanistan.
Số binh sĩ Mỹ đồn trú tại Afghanistan đã bị cắt giảm từ hơn 100.000 năm 2011 xuống 3.500, với hai nhiệm vụ chính là hỗ trợ trấn áp al-Qaeda và gây áp lực buộc Taliban ký thỏa thuận hòa bình lâu dài với chính phủ Afghanistan.
Vũ Anh (Theo AP)