Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đối diện viễn cảnh mất chỗ đứng ở Afghanistan sau hai thập kỷ hoạt động. Mạng lưới căn cứ tại đây là chỗ dựa cho CIA điều phối tác chiến và không kích bằng máy bay không người lái (UAV) cho những sứ mệnh chống khủng bố.
Giới chức Mỹ đang chạy đua với thời gian thiết lập căn cứ mới gần Afghanistan sau khi rút quân khỏi quốc gia này. Tuy nhiên, quá trình đàm phán ngoại giao gặp nhiều khó khăn vì không nhiều bên muốn dính vào chiến trường này. Trong khi đó, Lầu Năm Góc muốn rút hết quân khỏi Afghanistan vào giữa tháng 7, bất chấp cảnh báo của CIA về nguy cơ Taliban tái kiểm soát khu vực này.
Pakistan là ứng viên sáng giá để tình báo Mỹ thiết lập căn cứ nhằm tiếp tục hoạt động tại Afghanistan. Trong nhiều năm, CIA dùng một căn cứ tại đây để tiến hành các chiến dịch không kích ở vùng núi biên giới Pakistan - Afghanistan. Tuy nhiên, căn cứ này bị đóng cửa khi quan hệ giữa Washington và Islamabad tụt dốc vào năm 2011 sau hàng loạt sự cố, trong đó có chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Nếu muốn mở lại căn cứ này, Mỹ sẽ buộc phải làm ngơ trước thực tế rằng chính phủ Pakistan từ lâu đã hậu thuẫn Taliban. Ba quan chức Mỹ giấu tên cho hay giới chức Pakistan cũng đặt ra hàng loạt yêu cầu nếu tình báo Mỹ muốn đặt căn cứ tại nước này, trong đó có việc CIA và quân đội Mỹ phải thông báo mọi mục tiêu tấn công ở Afghanistan, đồng thời phải chờ họ đồng ý trước khi xuất kích.
Một số nhà ngoại giao Mỹ còn cân nhắc mở căn cứ ở các nước Trung Á khác như Kyrgyzstan và Uzbekistan. Tuy nhiên, điều này nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Nga. Giới quan sát cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đương nhiên không muốn CIA hiện diện sát "cửa ngõ" nước mình, ngay trong vùng ảnh hưởng của Moskva.
Trong lúc đó, tình báo quân đội Mỹ và CIA ngày càng lo ngại về tình hình Afghanistan. Những báo cáo gần đây cho thấy Taliban và các nhóm phiến quân đang gia tăng kiểm soát ở phía nam và phía đông đất nước. Giới phân tích dự báo Kabul có nguy cơ thất thủ trước Taliban chỉ trong vài năm tới. Afghanistan đối diện viễn cảnh một lần nữa trở thành nơi ẩn náu cho phần tử Hồi giáo cực đoan chống phương Tây.
Cho đến nay, Mỹ vẫn thiếu kế hoạch dài hạn về vấn đề an ninh tương lai của Afghanistan sau khi rút quân, dù đã chi hàng nghìn tỷ USD và mất hơn 2.400 binh sĩ trong cuộc chiến gần hai thập kỷ tại đây.
Hồi tháng 4, Giám đốc CIA William Burns thừa nhận trước Thượng viện rằng "năng lực thu thập thông tin và hành động ứng phó mối đe dọa sẽ suy giảm" một khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. "Đây là thực tế hiển nhiên", ông nhấn mạnh.
Hai thập kỷ tham chiến ở Afghanistan đã biến CIA từ một cơ quan gián điệp thành tổ chức bán vũ trang, khi tiến hành hàng trăm cuộc không kích bằng UAV, huấn luyện các đơn vị biệt kích Afghanistan, duy trì lượng lớn đặc vụ ở một loạt căn cứ dọc biên giới Pakistan.
Trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Barack Obama, CIA có lúc điều động hàng trăm nhân sự đến quốc gia Trung Á, tiến hành các hoạt động vượt khỏi khuôn khổ tình báo truyền thống và dẫn đến hệ lụy không nhỏ.
Những cuộc đột kích giữa đêm của biệt kích Afghanistan do CIA huấn luyện thường vướng vào cáo buộc lạm dụng vũ lực và vi phạm nhân quyền, khiến dư luận chuyển sang ủng hộ Taliban ở một số vùng. Các cuộc không kích bằng UAV khiến nhiều dân thường thiệt mạng không chỉ trong Afghanistan mà cả Pakistan. Những bê bối như vậy trở thành chướng ngại vật cho đàm phán hiện tại giữa Washington và Islamabad.
Tình báo Mỹ không còn nhiều lựa chọn sau khi quân đội rút hết khỏi Afghanistan. Theo Douglas London, cựu lãnh đạo bộ phận chống khủng bố tại Afghanistan và Pakistan, CIA sau này sẽ phải dựa vào mạng lưới điệp viên cài cắm ở thực địa. Việc kiểm chứng thông tin sẽ gặp nhiều khó khăn khi CIA thiếu đặc vụ hoạt động trực tiếp tại các điểm nóng.
Họ còn có thể dựa vào phi đội máy bay không người lái ở Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, việc tổ chức bay do thám liên tục, với thời gian hoạt động hơn 9 tiếng cho mỗi sứ mệnh, sẽ khiến chi phí vận hành tăng vọt.
Những chiến dịch đột kích cũng chịu nhiều rủi ro hơn, khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ sẽ không được chi viện nhanh chóng trong tình huống khủng hoảng.
Pakistan vẫn là niềm hy vọng lớn nhất cho CIA. Vào tháng 5, Burns có chuyến thăm bất ngờ tới quốc gia Nam Á này, gặp nhiều lãnh đạo quân đội và tình báo Pakistan. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng thường xuyên điện đàm với lãnh đạo quân đội Pakistan đề nghị hỗ trợ các sứ mệnh trong tương lai.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cho rằng đàm phán giữa Mỹ và Pakistan về mở lại căn cứ cho CIA đã rơi vào bế tắc, và triển vọng cho cơ quan tình báo Mỹ tiếp tục hoạt động hiệu quả tại Afghanistan vẫn bị đám mây mù bao phủ.
Trung Nhân (Theo New York Times)