Những ngày qua, thời tiết miền Bắc mưa lớn, nhiều nơi ngập úng. Theo các chuyên gia, mưa dài ngày kèm ngập úng dễ gây ra một số bệnh về da.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng Khoa Điều trị Nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương, giải thích môi trường ẩm ướt, da dễ nhiễm vi khuẩn gây chốc da, dấu hiệu là bề mặt da đỏ lên và ngứa, nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn nước.
Ngoài ra, da nhiễm ký sinh trùng như ấu trùng sán vịt, ấu trùng di chuyển ở da. Người bị ấu trùng sán vịt bám sẽ xuất hiện những nốt sẩn tịt giống như muỗi đốt, sưng, tại chỗ nổi sẩn đỏ có một mụn nước nhỏ bằng đầu ghim. Bệnh nhân thấy ngứa, gãi nhiều, các vết sẩn nhiễm khuẩn mưng mủ ngày càng nặng. Bệnh ấu trùng di chuyển ở da là một hội chứng lâm sàng với tổn thương da đặc trưng là ban đỏ hình dải vằn vèo hoặc hình lượn sóng, di chuyển kèm theo ngứa rất nhiều.
Nổi mề đay do tiếp xúc với nước hoặc do thay đổi thời tiết ít gặp hơn. Đây là một dạng của bệnh dị ứng. Da của người bệnh thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng nào, kích thước to nhỏ khác nhau. Sẩn nổi trên mặt da, có thể hơi đỏ hoặc nhợt nhạt hơn vùng xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, khi lặn đi thường không để lại dấu vết gì. Mề đay thường không ảnh hưởng đến sức khỏe bởi chỉ là biểu hiện ngoài, nhưng làm bệnh nhân khó chịu. Tùy cơ địa, mỗi người có tác nhân gây bệnh khác nhau.
Thói quen sử dụng quần áo mưa cũng có thể gây các bệnh về da. Theo bác sĩ Tâm, một vài chất liệu áo mưa như chất liệu cao su co giãn sẽ gây kích ứng. Việc mặc áo mưa quá lâu sẽ bị nóng, cũng dễ nổi bệnh lý rôm sảy, mụn.
Bên cạnh đó, càng dầm mưa lâu, vùng da ở bàn chân càng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bệnh về da thường gặp là nấm kẽ bàn chân, biểu hiện thường thấy là dạng bong vẩy da chân từng đám nhỏ hay lan rộng toàn bộ bàn. Đôi khi bệnh có thể xuất hiện tổn thương các mụn nước nhỏ.
Bác sĩ cho biết một số bệnh như rôm sảy hay mụn có thể tự hết, song những bệnh như nổi mề đay, viêm da do nhiễm khuẩn, nếu kéo dài và diễn tiến nặng lên cần phải điều trị sớm.
Ngoài các bệnh về da hay gặp mùa mưa, một số bệnh về hô hấp cũng dễ xảy ra. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết các bệnh thường gặp như nhiễm trùng hô hấp trên, cảm cúm với biểu hiện là cảm giác ớn lạnh, sốt, ho, sổ mũi, chảy nước mũi, nhức đầu, do đó cần lưu ý. Mưa lớn và ngập nhiều, người thường xuyên phải dầm mưa nên dễ bị nhức mỏi toàn thân.
Các bác sĩ khuyên tốt nhất nên hạn chế đi ngoài mưa, nếu bắt buộc đi nên tránh tiếp xúc quá lâu dưới trời mưa và nên mặc áo mưa, giữ ấm cho cơ thể. Về đến nhà cần lau khô người, thay quần áo, nghỉ ngơi, giữ thân nhiệt ổn định, khi không còn lạnh mới đi tắm. Để hỗ trợ làm ấm cơ thể, có thể uống trà gừng, thức ăn giàu vitamin C như cam, nước chanh giúp tăng sức đề kháng và làm ấm nhanh hơn.