Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, từ 14h đến 16h hôm nay, trạm đo tại Láng ghi nhận lượng mưa là 138 mm. Số liệu này đã vượt mốc lịch sử 132,5 mm vào ngày 18/6/1986.
Còn theo số liệu của TP Hà Nội, cùng thời gian trên, quận Cầu Giấy mưa lớn nhất, hơn 170 mm, tiếp theo là Tây Hồ hơn 150 mm, Hoàng Mai 130 mm. Các quận Ba Đình, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì lượng mưa đều hơn 100 mm.
Mưa lớn trong hơn hai tiếng đã khiến gần 40 tuyến phố Hà Nội ngập úng cục bộ, nhiều tuyến ngập sâu trên 50 cm, giao thông tê liệt. Đơn cử phố Dương Đinh Nghệ là đường lớn, ngập kéo dài một km, sâu nhất là đoạn qua toà nhà Keangnam có thời điểm ngập 60-70 cm.
Cơ quan khí tượng cho biết, tổng lượng mưa trung bình năm của Hà Nội khoảng 1.700 mm với 114 ngày mưa. Như vậy chỉ trong hơn hai giờ chiều nay, lượng mưa ở Cầu Giấy đã bằng 1/10, trạm Láng (Cầu Giấy) bằng 1/12 tổng lượng cả năm của thủ đô.
Nếu so sánh với đợt mưa năm 2008, cơn mưa chiều nay cường độ lớn hơn, tuy nhiên phạm vi hẹp hơn và không kéo dài. Đợt mưa từ 19h ngày 30/10 đến 19h ngày 2/11/2008 với tổng lượng ở trạm Láng là 563 mm, Hà Đông 812 mm đã gây ngập diện rộng, kéo dài ba ngày ở Hà Nội, làm hàng chục người chết.
Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, với những trận mưa dưới 50 mm trong hai giờ sẽ không xảy ra ngập úng, mưa 50-100 mm dự kiến có 11 điểm ngập úng, ở 9 quận gồm: Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Long Biên.
Với trận mưa chiều nay, hệ thống thoát nước của thành phố đã bị quá tải. Số điểm ngập lụt tăng lên gần 40, mở rộng hầu khắp 12 quận và một phần huyện Thanh Trì. Mức độ ngập cũng lớn hơn, mãi tới 22h, tức 6 tiếng kể từ khi dứt mưa lớn, nhiều điểm vẫn chưa hết ngập.
Đơn vị thoát nước đã triển khai hàng trăm nhân viên ứng trực tại các điểm ngập sâu, cống thoát nước để cảnh báo và vớt rác giúp khai thông đường cống, mở các cửa phai hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mè, các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước và sẵn sàng đón các trận mưa tiếp theo.
UBND TP Hà Nội đánh giá, trong giai đoạn 2021 đến 2025, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao, việc phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải là cần thiết, nhất là ở lưu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ (vùng Tả Đáy), khu vực các quận Hà Đông, Long Biên và Thị xã Sơn Tây.
Cơ quan khí tượng cho biết, mưa lớn ở Hà Nội là do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22-25 độ bị nén. Ngoài Hà Nội, các tỉnh Sơn La, Hoà Bình cũng ghi nhận mưa lớn.
Dự báo từ đêm nay đến ngày 31/5, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng phổ biến mỗi đợt 80-120 mm, có nơi trên 150 mm. Chiều và đêm mai (30/5), từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rào và giông.
Gần 40 điểm ngập chiều 29/5 gồm, Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Liễu Giai, Tôn Đản, Thụy Khuê, Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chính, Yên Duyên (đường Vành đai 3), Trương Định, Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy), Thái Hà, Nguyễn Khuyến, Bùi Xương Trạch, Phùng Khoang, Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi, Quan Nhân, Triều Khúc, Ngọc Hồi, Nguyễn Xiển...
Lưu vực sông Nhuệ: Phú Xá (ngã 3 Phú Xá - Phúc Hoa), Trần Cung, Phan Văn Trường, Trần Bình, Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên (sau Keangnam), Đỗ Đức Dục.
Lưu vực Long Biên: Trục thoát nước ngõ 80 Hoa Lâm, gầm cầu chui xe lửa Bắc Đuống, Đức Giang, Nam Đuống (trước tòa nhà An Quý Hưng).
Võ Hải - Gia Chính