Trong không gian lãng mạn tại một khách sạn năm sao ở Tây Hồ, Hà Nội hôm 26/10 Thu Hằng và Khánh Quân, trao lời thề ước. Quan khách có người xúc động với tình yêu 9 năm của dâu rể, nhiều người lại bật cười vì tiếng bi bô "bố ơi, mẹ ơi" của cậu bé một tuổi, con trai của họ.
Cặp đôi này từng lên kế hoạch tổ chức hôn lễ vào tháng 3/2020, nhưng Covid-19 bùng phát nên đám cưới của họ phải dừng, kế hoạch trăng mật cũng hủy. Không cưới, họ vẫn đặt kế hoạch sinh con trong năm để hợp tuổi bố mẹ.
Covid-19 đang làm thay đổi tình yêu, hôn nhân và cả chuyện sinh con đẻ cái. "Trong thời Covid-19 nhiều gia đình đang nhận tin ngày dự sinh trước ngày cưới, được ăn tiệc đầy tháng trước tiệc cưới", chị Đặng Hiền Thảo, người sáng lập một công ty tổ chức đám cưới (Wedding Planner) cao cấp ở Hà Nội và TP HCM, cho biết.
Trong một tháng trở lại đây, hai cơ sở của chị Thảo đã tổ chức hôn lễ cho khoảng 20 cô dâu đang mang bầu, chiếm 30% số khách hàng. Đây cũng là con số được một số thương hiệu ảnh cưới, váy cưới khác xác nhận.
Nhà thiết kế Linh Nga cho biết, dâu bầu nhỏ hiện chiếm 30% lượng khách của cô và khoảng 5% cô dâu có bầu từ 6 tháng trở lên. Trịnh Hiếu, chủ một thương hiệu áo dài cưới ở Hà Nội chia sẻ: "Các cô dâu bầu dưới bốn tháng bụng còn nhỏ không thống kê được, còn những cô dâu lộ bụng chiếm 1/3 lượng khách tìm đến chúng tôi trong tháng qua".
Trên hội dành cho các cô dâu sắp cưới, chủ đề váy cưới bầu được quan tâm nhất. Dưới một bài viết với gần 300 bình luận, có trên 100 cô dâu chia sẻ ảnh đang mang bầu trong trang phục áo dài hay váy cưới. Hôm 16/11, một cô dâu ở Nghệ An vừa tổ chức cưới xong thì trở dạ, xe hoa bỗng trẻ thành xe đưa đi đẻ.
Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng cảm thấy thoải mái với việc con mình có bầu trước khi cưới. Trước thực trạng dịch bệnh phức tạp, nhiều cặp đôi đã lựa chọn giải pháp làm theo đúng trình tự truyền thống bằng các đám cưới nhỏ. Ngành dịch vụ cưới hỏi hai năm nay ghi nhận bùng nổ xu hướng Intimate (đám cưới thân mật), với khách từ 20 đến dưới 100 người, thậm chí Elopement (đám cưới bí mật) chỉ gồm dâu rể và chủ hôn.
Để Diệu Vy và Đức Minh yên tâm sống chung và chăm sóc con dâu mang bầu, gia đình nhà trai quyết định tổ chức "hôn lễ du kích" ngay khi TP HCM mở cửa. Hôm ấy tổ chức ăn hỏi, trao vàng, đón dâu, ngoài vợ chồng Vy, chỉ có bố mẹ hai bên. Vợ chồng cô đã hoãn cưới từ năm 2020 đến nay. Bố mẹ thấy các con yêu nhau bảy năm, đều đã ổn định sự nghiệp nên động viên dọn về ở chung, sinh em bé trước.
"Nhất là sau lần mình đi khám bị buồng trứng đa nang, chức năng sinh sản có dấu hiệu suy giảm, các cụ càng thúc giục", cô gái 31 tuổi, chủ một chuỗi shop thời trang ở TP HCM, chia sẻ. Tin Vy có bầu là đại hỷ với gia đình Tuấn, người là con trai một. Ba mẹ chồng tuyên bố "cứ yên tâm đẻ trước, sang năm làm đám cưới hoành tráng".
Sự không thống nhất về quan điểm của gia đình hai bên về việc có con và cưới hỏi cũng khiến một số cặp đôi đau đầu. Tú Anh, 26 tuổi và Nguyễn Khánh, 28 tuổi là một minh chứng. Cô gái Nghệ An và chàng trai Lạng Sơn yêu nhau ba năm, gia đình hai bên đều biết, song chưa có cơ hội nào người lớn gặp nhau. Đôi trẻ đã lên kế hoạch đám cưới vào tháng 5 nhưng cũng phải dừng vì đợt dịch thứ tư. Lúc đó Tú Anh phát hiện "hai vạch". "Bố chồng chồng yêu cầu lập tức về Lạng Sơn sống, còn bố mẹ mình không chịu. Nhà mình hai đời làm nhà giáo nên cũng nghiêm khắc", cô bộc bạch.
Tú Anh mang bầu ốm mệt, lại chưa được tiêm vaccine, nên chỉ muốn một đám cưới gọn nhẹ. Nhưng ý tưởng này bị bố mẹ cô phản đối vì "phải tổ chức đâu ra đấy không xóm giềng cười cho".
Áp lực hai bên gia đình, cộng với tình trạng mất thu nhập do dịch, khiến bà bầu này thêm căng thẳng. "May mắn chồng luôn là chỗ dựa, không để mẹ con tôi phải lo lắng gì", cô chia sẻ. Hồi tháng 10, đôi trẻ đã kịp về quê làm đăng ký kết hôn để làm giấy khai sinh cho con như bình thường.
Bà bầu 7 tháng này cũng lo ngại tổ ấm này của mình chưa có "căn cứ vững chắc" vì người lớn hai nhà chưa gặp, xóm giềng chưa ra mắt. "Một phần khác tôi cũng lo sau này có con, đủ thứ phải lo, liệu có còn được mặc váy cưới nữa không?", cô tâm sự.
Ngược lại, cô dâu Thu Hằng còn suýt mất đám cưới vì bố mẹ bảo "đẻ rồi còn cưới gì nữa". Song ngày trọng đại của họ, với sự thiết kế của bên wedding planner suốt từ tháng 4 tới nay, mang đến sự chỉn chu, phong cách hiện đại, đã thay đổi suy nghĩ của người lớn. "Bố mẹ đã hiểu rằng nếu như ăn hỏi, đón dâu năm ngoái là ra mắt tổ tiên, họ hàng thì đám cưới là của riêng hai đứa mình", Thu Hằng chia sẻ.
Chuyên gia hôn lễ Đặng Hiền Thảo cho rằng, việc có con trước cưới không còn bị định kiến nặng nề như trước nhất là trong thời Covid-19, con người có xu hướng quan tâm tới thực chất và thích ứng an toàn. "Tất nhiên Covid-19 không nên là cái cớ để những người chưa xây dựng được cơ sở tình yêu vững chãi đã chuyển sang giai đoạn làm cha mẹ", chị Thảo nói.
Đa phần các đôi một khi xác định cưới đồng nghĩa muốn sau đó có con luôn. Dịch ập đến, ngày vui phải hoãn, trong khi đã dính bầu. "Vì thế trong một tháng qua và các tháng tới chắc chắn sẽ xuất hiện rất nhiều cô dâu bụng to, thậm chí sát ngày đẻ vẫn quyết định cưới", vị chuyên gia có thâm niên 10 năm trong ngành cưới, nói.
Theo chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình và trẻ em Hồng Hương, thường trực Thư viện Lưu trú thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cần tách bạch kết hôn, đám cưới và sinh con. Trong đó, đăng ký kết hôn là tuân thủ luật pháp và bảo vệ quyền lợi các bên. Đám cưới lại như một "sự kiện truyền thông" để thông báo hai người yêu nhau về sống chung với nhau. Còn sinh con là quyền của mỗi người, không pháp luật nào quy định phải có hôn nhân hay đám cưới mới được sinh con.
Tuy nhiên, theo bà Hương các đôi nên ngồi lại với nhau để chắc chắn về tình cảm, thể chất và tài chính trước khi quyết định có con trước cưới trong đại dịch. Nếu cảm thấy đủ kết nối tình cảm và ổn định tài chính để bắt đầu một gia đình, đây có thể là thời điểm tốt để đưa ra quyết định. Đám cưới có hoặc không, to hay nhỏ không quá quan trọng. Ngược lại, nếu bạn đang đối mặt với căng thẳng mất việc, lo lắng mang bầu trong dịch và gia đình hai bên chưa cởi mở chuyện "đứa trẻ đi trước mâm cau" thì có thể sẽ phải đợi.
"Dưới góc độ tâm lý, tôi cho rằng nên thuận theo truyền thống. Nếu đã xác định cưới thì làm sớm để việc chăm sóc đời sống tinh thần cho bà bầu và em bé khi ra đời tốt hơn", chuyên gia nói.
Phan Dương