Khi đám cưới gần kết thúc, cô dâu người Tứ Xuyên ném bó hoa cho phù dâu Tạ Vũ Khoa. Tạ mặc chiếc váy xanh nhạt, tươi cười bước lên sân khấu. Với tư cách là bạn thân của cô dâu, cô dõng dạc nói với chú rể: "Bạn tôi rất yêu đời. Nếu cô ấy mất đi nụ cười, đó là lỗi của anh". Sau cái ôm, cô gái 21 tuổi bước khỏi sân khấu, thay quần áo vội vã rời đi.
Đây là lần thứ 32 trong năm nay, Tạ được thuê làm phù dâu. Ở Trung Quốc, họ gọi những người như cô là "phù dâu chuyên nghiệp".
Tạ Vũ Khoa sinh năm 2000, quê Chiết Giang, là sinh viên năm cuối. Giữa năm 2020, cô đọc được thông tin tuyển phù dâu, có thể kiếm từ 400 tệ đến 3.000 tệ (1,5 triệu-10,5 triệu đồng) mỗi lần. Một số yêu cầu có thù lao thấp, địa điểm xa và ít người quan tâm, nhưng cũng có trường hợp hàng chục người cùng tranh giành một chỗ. Mỗi khi có cặp đôi nào đặt hàng phù dâu, nhà tuyển dụng sẽ liên hệ, thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn để xác định người phù hợp.
Tạ ưa thích du lịch nên thấy đây là công việc làm thêm thú vị. Từ tháng 11 năm ngoái, Tạ bắt đầu nhận việc và chỉ trong vòng chưa đầy một năm, cô đã đến Hà Bắc, Thiên Tân, Thiểm Tây, Vân Nam, Hà Nam, Quảng Tây, Quảng Đông... "Tôi có thể biết thêm phong tục ở nhiều địa phương, tiền kiếm được cũng đủ trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở thành phố", cô nói.
Với phù dâu chuyên nghiệp, ngoài khiếu pha trò để làm sôi động bầu không khí, họ còn phụ trách những việc như trang trí phòng tân hôn, giúp cô dâu chú rể giữ nhẫn hay chơi trò ghép đôi, hướng dẫn mọi người tạo dáng trước máy ảnh.... Đôi lúc còn làm những việc không có trong hợp đồng, như lau mồ hôi cho cô dâu, chỉnh váy cưới, thậm chí trang điểm cho người nhà khách hàng.
Những sự vụ phát sinh ngoài kịch bản cũng nhằm kiểm tra khả năng ứng phó của phù dâu chuyên nghiệp. Tình huống đáng nhớ nhất với Tạ là làm phù dâu một đám cưới ở tỉnh Hà Nam. Đêm trước hôn lễ, cô dâu bỗng nhiên không muốn kết hôn.
Cô dâu và chú rể gặp nhau lần đầu trong buổi hẹn hò do người lớn sắp đặt một năm trước đó. Vì sống hai nơi khác nhau nên vài tháng họ mới gặp nhau một lần. Thời gian tìm hiểu ngắn nên chú rể không biết cô dâu thích ăn gì và đi giày cỡ nào. Với sự thất vọng tràn trề, cô dâu muốn rút lui. Tạ hiểu đây là chứng lo âu trước hôn nhân. Sau khi trò chuyện, cô khuyên cô dâu không nên giữ ấm ức trong lòng, nói thẳng việc này với chú rể. Cô dâu làm theo lời Tạ khuyên và sau đó đám cưới vẫn tiến hành bình thường.
Là phù dâu được thuê, điều cấm kỵ nhất là "tiết lộ danh tính" để người ngoài biết. Tại Trung Quốc, nhờ bạn bè làm phù dâu, phù rể là lựa chọn hàng đầu. Chỉ những ai ít bạn bè hoặc bạn bè quá bận rộn mới tìm đến công ty tổ chức tiệc cưới thuê người. Vì phải bỏ tiền nên họ yêu cầu phù dâu, phù rể phải hợp tuổi cô dâu chú rể, biết ăn nói, luôn thân thiết như những người bạn... Với người không chuyên, khó có thể đáp ứng đầy đủ.
Lần đầu làm phù dâu một năm trước, Tạ từng khóc nấc khi chứng kiến cảnh bà nội già yếu trao hồi môn cho cô dâu. Tiếp đến nghe các cặp đôi kể về hành trình gặp gỡ yêu đương, mắt cô cũng rơm rớm. Nhưng khi làm phù dâu tới 32 lần, giờ cô không dễ xúc động. "Đám cưới giống một bộ phim. Mới xem, tôi đã khóc. Nhưng xem đi xem lại, thật khó để xúc động", Tạ nói.
Trước đây, Tạ từng hy vọng mình sẽ có một đám cưới lãng mạn ở đảo Bali hoặc khách sạn hạng sang. Nhưng khi làm phù dâu chuyên nghiệp, cô lại thấy đám cưới hoành tráng cũng không để làm gì. Cô sinh viên này cho rằng, thay vì bỏ quá nhiều tiền tổ chức hôn lễ, nên dùng số tiền đó gom góp mua nhà hoặc làm gì đó thiết thực hơn.
Tạ từng có người yêu nhưng bị phản bội nên không tin vào tình yêu. Sau khi tiếp xúc với nhiều cặp đôi, cô lại có niềm tin vào mối quan hệ khác giới. "Định mệnh lúc nào đến sẽ đến, không cần lo lắng quá nhiều", Tạ nói. Giờ cô coi trọng tính cách của đối phương hơn bất kỳ thứ hào nhoáng nào khác. Không còn sự lãng mạn, những kỳ vọng về tình yêu của cô gái này cũng trở nên thực tế hơn.
Khác với các bạn cùng lớp cả ngày chỉ đi lại giữa ký túc xá, lớp học, nhà ăn và thư viện, Tạ thích giao tiếp với xã hội nhiều hơn. Làm phù dâu chuyên nghiệp cho cô cơ hội tham gia vào khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời nhiều người, từ sang trọng tới bình dân.
"Tôi từng than phiền về cuộc sống, nhưng khi tiếp xúc với nhiều người, tôi thấy cuộc sống của mình vẫn ổn", Tạ nói. Cô gái 21 tuổi cũng cho rằng, sống ở trên đời không nên so sánh quá nhiều, bởi quan điểm về hạnh phúc, tình yêu và hôn nhân mỗi người mỗi khác.
Vy Trang (Theo QQ)