Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, Đăk Lăk muốn tăng công suất điện gió trong quy hoạch VIII từ 490 MW lên 1.500 MW và từ 448 MW lên 1.500 MW cho giai đoạn 2026-2030. Việc này, theo UBND tỉnh, giúp Đăk Lăk phát triển kinh tế, từng bước tự chủ ngân sách, khai thác tiềm năng và lợi thế về năng lượng tái tạo. Bởi, theo đánh giá trước đó của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), Đăk Lăk có tiềm năng điện gió trên bờ khoảng 26.921 MW và điện mặt trời 120.564 MW.
"Bộ Công Thương đề xuất đưa vào quy hoạch điện VIII nguồn điện gió 938 MW trong 10 năm (490 MW đến năm 2025 và 448 MW đến 2030) chưa tới 4% tiềm năng gió của tỉnh", văn bản UBND tỉnh Đăk Lăk nêu.
Ngoài ra, tỉnh này cho biết, hệ thống đường truyền tải điện đi qua khu vực Đăk Lăk hoàn toàn đáp ứng được việc giải toả công suất điện gió. Hiện, tỉnh có 4 đường dây 500kV và 1 Trạm biến áp 500kV điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp đưa vào vận hành từ tháng 12 năm ngoái; 4 đường dây 220kV truyền tải chủ đạo cho khu vực Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 đường dây 500 kV (Krông Búk - Tây Ninh 1, Tuabin khí miền Trung - Krông Búk); 1 trạm biến áp 500kV Krông Búk (Cư M’gar), công suất 03x900MVA và 2 đường dây 220KV (Krông Buk - Nha Trang (mạch 2), Krông Búk - Pleiku 2. Đây đều là các công trình điện theo quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Ngoài ra, dự kiến đến tháng 10/2021, trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối của dự án điện gió Ea Nam đưa vào vận hành, là điều kiện thuận lợi để gom các nguồn điện gió tại khu vực, đấu nối phát triển thêm với quy mô công suất 4.000MW vào hệ thống điện quốc gia.
Trước đó, quý I năm nay, tỉnh Đăk Lăk đã cấp chủ trương đầu tư cho 10 dự án điện gió, tổng vốn hơn 10.185 tỷ đồng. Trong số này, 6 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 10.088 tỷ đồng.
Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương gấp rút hoàn thiện, trình lại Chính phủ vào giữa tháng này.
Anh Minh