Vương Tương Tuệ, đại tá quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu và đang là giảng viên tại Đại học Bắc Hàng ở Bắc Kinh, cho biết nước này trong hai thập kỷ qua đã xây dựng hệ thống phòng thủ để bảo vệ kho vũ khí hạt nhân trên bộ và trên biển, đảm bảo năng lực đánh trả khi bị tấn công phủ đầu, qua đó đạt khả năng răn đe hạt nhân đối phương.
"Phát động các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc luôn là lựa chọn quân sự của Mỹ", Vương nói trong cuộc họp kín trong khuôn khổ Diễn đàn Mạc Can Sơn hồi tháng 10. "Song với lựa chọn này, Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn ngày càng tăng do những điều chỉnh và thay đổi của Trung Quốc trong 20 năm qua".
Wang đưa ra nhiều nhận định về các vấn đề quốc tế và Trung Quốc, bao gồm kế hoạch 5 năm, trong các hội nghị tại Diễn đàn Mạc Can Sơn kéo dài 4 ngày, song nội dung những cuộc thảo luận đó chỉ được công bố từ hôm 11/11.
Vương cho hay đánh giá của Mỹ cho rằng Trung Quốc chỉ còn một đầu đạn hạt nhân sống sót để đáp trả vào lục địa Mỹ sau đòn tấn công phủ đầu là "hoàn toàn vô nghĩa".
Đại tá về hưu này nói Trung Quốc trong nhiều năm triển khai loạt biện pháp để thiết lập khả năng "tấn công đợt hai" đáng tin cậy nhằm đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân.
Ngoài các đường hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, Trung Quốc còn phát triển nhiều tên lửa tiên tiến mới và mở rộng "vùng biển pháo đài" quanh đại lục, nơi tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của họ có thể hoạt động an toàn.
"Dựa trên những yếu tố này, có thể kết luận rằng đối đầu Mỹ - Trung khó bùng phát thành một cuộc xung đột lớn. Đây là cơ sở quan trọng để cả hai bên tính toán các bước đi", Vương nói.
Trung Quốc được cho là sở hữu khoảng 200-300 đầu đạn hạt nhân, ít hơn nhiều Mỹ và Nga với hơn 1.500 đầu đạn mỗi nước. Nước này tuyên bố "không sử dụng vũ khí hạt nhân trước", chiến lược hạt nhân của Bắc Kinh phụ thuộc rất lớn vào khả năng sống sót của lực lượng hạt nhân của nước này sau đòn phủ đầu của đối phương.
Truyền thông Trung Quốc hồi năm 2018 đưa tin quân đội nước này xây dựng các hầm ngầm với tổng chiều dài 5.000 km, được mệnh danh là "Vạn Lý Trường Thành ngầm", để cất giấu, di chuyển và khởi động các lực lượng trả đũa hạt nhân.
Các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc từ năm 2019 mang theo tên lửa JL-2 với tầm bắn 7.400 km và JL-3 với tầm bắn hơn 12.000 km trong các chuyến tuần tra, giúp tăng cơ hội trả đũa hạt nhân nếu các hầm chứa trên đất liền bị tiêu diệt.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)