"Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện rất quan trọng, kế thừa quá khứ và mở ra tương lai", Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba đánh giá khi trao đổi với báo chí tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội chiều 2/11, về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đại sứ chỉ ra chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ngay sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, thể hiện sự coi trọng lẫn nhau và là trao đổi chiến lược rất kịp thời giữa ban lãnh đạo của hai Đảng.
6 ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tháp tùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm. Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã giới thiệu với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tất cả Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị được bầu tại Đại hội 20. "Đây là cơ hội rất quan trọng để hai tập thể lãnh đạo trao đổi", ông Hùng Ba nhận xét.
Trung Quốc đã tổ chức lễ đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia tại Đại lễ đường Nhân dân chiều 31/10, trong đó có 21 phát đại bác chào mừng. Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Trung Quốc đón tiếp sau Đại hội 20. Đây là lần đầu tiên trong 3 năm gần đây Trung Quốc bắn đại bác tại quảng trường Thiên An Môn và tổ chức lễ đón, lễ duyệt đội danh dự.
Đại sứ cũng mô tả chuyến thăm là "thân thiết, hữu nghị và đạt nhiều thành quả", thể hiện mối quan hệ làm việc và cá nhân tốt đẹp giữa hai Tổng bí thư.
"Ngoài hội đàm, Tổng bí thư Tập Cận Bình còn mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà trong không khí rất thoải mái, thân thiện, nhiệt tình để trao đổi ý kiến. Đây là nghi thức hiếm thấy khi Trung Quốc đón tiếp các lãnh đạo nước ngoài", Đại sứ nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 31/10 trao tặng Huân chương Hữu nghị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người bạn tốt, chân thành của đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc", ông Tập nói tại buổi lễ.
Đại sứ Hùng Ba nhận xét đây là "điểm nhấn nổi bật nhất trong chuyến thăm". Ông chỉ ra Huân chương Hữu nghị là vinh dự cao nhất của Trung Quốc dành cho những lãnh đạo nước ngoài có đóng góp to lớn cho sự nghiệp tiến bộ nhân loại và quan hệ giữa Trung Quốc với các nước này.
"Có thể nói cách thức đón tiếp lần này có rất nhiều đột phá và chưa có tiền lệ", Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh.
Ông nói thêm rằng thành quả của chuyến thăm đã được thể hiện ở Tuyên bố chung và 13 thỏa thuận hợp tác đã ký, thể hiện nhận thức chung chính trị mà hai lãnh đạo đã đạt được.
Theo Đại sứ, đây là chuyến thăm "mang tính lịch sử, để lại dấu ấn quan trọng trong phát triển quan hệ Việt - Trung và sẽ có ảnh hưởng rất sâu rộng, vượt qua ý nghĩa song phương và rất được sự quan tâm của nhân dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế".
Đánh giá về quan hệ Việt - Trung những năm gần đây, ông Hùng Ba nêu các điểm nhấn là trao đổi cấp cao vẫn được duy trì trong đại dịch, bên cạnh tăng trưởng thương mại và hợp tác chống dịch song phương.
Trong hợp tác thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn nhất của Việt Nam nhiều năm liên tục, còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt gần 166 tỷ USD, theo Tổng cục Hải quan Việt Nam.
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 91,16 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi xuất sang nước này 41,22 tỷ USD. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong khoảng thời gian này là khoảng 50 tỷ USD. Năm 2021, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 54 tỷ USD.
Đại sứ Hùng Ba khẳng định Trung Quốc không theo đuổi xuất siêu với Việt Nam và vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước cần thời gian để giải quyết. Ông cho rằng trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu nông thủy sản của Việt Nam.
Về trung và dài hạn, Trung Quốc nên tích cực ủng hộ Việt Nam chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề, thúc đẩy công nghiệp hóa, nâng cao năng lực phụ trợ của doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài. "Tôi tin rằng vấn đề mất cân bằng thương mại sẽ được giải quyết song song với tiến trình công nghiệp hóa của Việt Nam", ông nói.
Theo ông, trong hai năm qua, tình trạng hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu đã xuất hiện, chủ yếu do đại dịch. Trong tuyên bố chung, Việt - Trung nhất trí sẽ duy trì hoạt động thương mại thông suốt tại các cửa khẩu với tiền đề bảo đảm phòng chống dịch.
Để nâng cao hiệu suất lưu thông hàng hóa, Đại sứ nêu một số biện pháp như tận dụng đường sắt, mở thêm luồng thông quan và bãi đỗ xe chở hàng hóa. Ông khẳng định giới chức Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề này, trong đó Bí thư Quảng Tây đã nhiều lần chỉ đạo vấn đề thông quan hàng hóa.
"Hợp tác thương mại Việt - Trung có tính bổ trợ lẫn nhau, sản phẩm mà Trung Quốc có ưu thế thì Việt Nam cũng có nhu cầu. Là hai nước láng giềng, Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ gắn bó mật thiết trong chuỗi cung ứng, đồng thời có điều kiện tốt để kết nối cơ sở hạ tầng và giao thông", ông nói.
Đại sứ cho rằng Trung Quốc thời gian tới sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam phát triển xanh, kinh tế số và ứng phó biến đổi khí hậu. Ông chỉ ra các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư xây dựng một số nhà máy điện rác ở Việt Nam, trong đó có nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Hà Nội do Tổng thầu MCC triển khai, cũng như các nhà máy điện gió, điện mặt trời.
Ông nhận định thách thức của quan hệ Việt - Trung chủ yếu đến từ môi trường bên ngoài, khi thế giới có nhiều biến đổi khó lường, như khủng hoảng Ukraine, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
"Sự phát triển của Trung Quốc và Việt Nam đều cần môi trường bên ngoài hòa bình, ổn định, kinh tế cởi mở, bao trùm, thương mại tự do", Đại sứ nói. "Hai nước nên cùng bảo vệ toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương, tránh để chủ nghĩa đơn phương, hành động bắt nạt, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi bên".
Đại sứ Hùng Ba cho rằng trong bối cảnh đó, chuyến thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung tiếp tục phát triển và lên một tầm cao mới".
Phương Vũ