Lúc 8h05 tổ máy số 1, công suất 15MW, đã hòa lưới điện quốc gia thành công. Với việc vận hành tổ máy số 1, mỗi ngày sẽ có 1.000 tấn rác tươi được đốt phát điện, bằng 1/7 lượng rác phát sinh mỗi ngày của TP Hà Nội.
Ông Li Ke, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý (Tổng thầu MCC, Trung Quốc), cho hay tổ máy số 2 đã hoàn thành tất cả bước hiệu chỉnh kỹ thuật, đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép vận hành. Các lò đốt còn lại số 3, 4, 5 cũng đã được hiệu chỉnh thành công, có thể hoạt động khi được phép.
Nhà máy dùng công nghệ của Bỉ và đốt rác hỗn hợp (không qua phân loại). Tuy nhiên, ông Li Ke cho rằng việc phân loại rác thải tại nguồn là xu thế phát triển của tất cả quốc gia. Nếu TP Hà Nội phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp giảm tỷ lệ chất không đốt được, đồng thời giúp việc đốt rác thuận lợi hơn.
Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng, do Tổng thầu MCC triển khai.
Nhà máy có 5 lò đốt với 3 tổ máy phát. Trong giai đoạn một, nhà máy sẽ vận hành lò đốt số 3-4 (tổ máy 1), giai đoạn 2 vận hành lò đốt số 1-2 (tổ máy 2), giai đoạn 3 là lò đốt số 5 (tổ máy 3). Dự kiến, với 4.000 tấn rác được đốt, lượng điện phát ra là 75 MW. Trong đó, lượng điện được tái sử dụng là 15-20%; còn lại nhà máy đã ký hợp đồng bán điện với Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Đây được xem là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.500 tấn rác ướt, mỗi ngày.
Mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, chủ yếu được xử lý ở hai khu xử lý rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (trên 5.000 tấn/ngày) và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (khoảng 1.300 tấn/ngày). Công nghệ hiện chủ yếu là chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt không phát điện chiếm tỷ lệ nhỏ.
Hồi tháng 3, nhà máy điện rác công suất 1.500-2.000 tấn/ngày đêm cũng được khởi công tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, công suất phát điện 37MW và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng.
Võ Hải