Quân đội Iraq cho biết "một nhóm ngoài vòng pháp luật" ngày 20/12 phóng 8 quả rocket nhằm vào đại sứ quán Mỹ tại Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad, khiến một nhân viên an ninh Iraq tại trạm gác bị thương, một số ô tô cùng một khu dân cư ít người gần đó chịu thiệt hại.
Trong thông cáo cùng ngày, đại sứ quán Mỹ tại Iraq xác nhận hệ thống chống rocket, đạn pháo và cối (C-RAM) đã khai hỏa đánh chặn số rocket trên không để làm chệch hướng vụ tấn công. Tuy nhiên, vụ tập kích cũng gây một số thiệt hại nhỏ trong khuôn viên của đại sứ quán Mỹ.
Hệ thống C-RAM được Mỹ triển khai tại đại sứ quán ở Baghdad hồi giữa năm, khi các nhóm vũ trang tại Iraq tăng cường tấn công cơ sở ngoại giao này. Hồi đầu tháng 12, Mỹ rút bớt nhân viên khỏi đại sứ quán ở Iraq, trước thời điểm kỷ niệm một năm nước này hạ sát thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, do lo ngại một cuộc tấn công trả đũa.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) quân đội Mỹ Kenneth McKenzie hôm 20/12 khẳng định họ sẵn sàng "phản ứng nếu cần thiết" để tự vệ cũng như bảo vệ đồng minh và đối tác tại khu vực Trung Đông trước bất cứ nguy cơ tấn công nào từ Iran trong dịp kỷ niệm này.
Mỹ lên kế hoạch cắt giảm quân số tại Iraq từ 3.000 xuống 2.500 vào giữa tháng 1/2021, trước khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở. Tuy nhiên, tần suất các cuộc tấn công bằng rocket tại Iraq gia tăng khiến chính quyền Trump tức giận.
Các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn bị nghi thực hiện các vụ nã rocket, trong đó có nhóm Kataib Hezbollah. Các nhóm này hồi tháng 10 đã đồng ý ngừng bắn vô thời hạn, song vụ tấn công ngày 20/12 là lần vi phạm thứ ba kể từ đó.
Lần vi phạm đầu tiên xảy ra hôm 17/11 khi loạt rocket lao vào đại sứ quán Mỹ và nhiều khu vực khác tại Baghdad, khiến một phụ nữ thiệt mạng. Lần thứ hai là vụ đánh bom nhằm vào hai đoàn xe vận chuyển thiết bị hậu cần của liên quân Mỹ hỗ trợ quân đội Iraq chống các nhóm vũ trang.
Hiện chưa nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công hôm 20/12. Kataib Hezbollah đăng trên Twitter rằng "tấn công đại sứ quán của kẻ thù (Mỹ) vào thời điểm này là trái lệnh". Kataib Hezbollah cũng lên án việc đại sứ quán Mỹ kích hoạt hệ thống C-RAM.
C-RAM được Mỹ triển khai tại nhiều căn cứ và cơ sở ngoại giao ở Trung Đông để đánh chặn các loại đạn và rocket không điều khiển giá rẻ, thay cho các tổ hợp phòng không đắt tiền như Patriot. C-RAM được coi là phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx trên chiến hạm Mỹ, sử dụng radar để phát hiện mục tiêu và pháo nòng xoay 20 mm có tốc độ bắn cực cao để diệt tiêu diệt.
C-RAM sử dụng đạn vạch đường tự hủy (MPT-SD) M-940 với cơ chế tự hủy ở khoảng cách nhất định để tránh gây thiệt hại ngoài ý muốn cho khu dân cư lân cận. Một tổ hợp C-RAM có thể nã 4.500 viên đạn mỗi phút, tạo lưới lửa dày đặc để tiêu diệt mục tiêu đang bay tới.
Nguyễn Tiến (Theo AlJazeera)