"Chúng ta đang trong giai đoạn đối đầu công khai. Tình hình này buộc Nga phải cân nhắc đến liên minh phương Tây trong nỗ lực củng cố năng lực quốc phòng, trong đó có tăng cường kho dự trữ tên lửa để ngăn đối thủ tiềm tàng tìm cách thách thức sức mạnh của Nga", Đại sứ lưu động Nga Grigory Mashkov cho biết trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm nay.
Quan chức Nga bày tỏ hy vọng tình trạng đối đầu sẽ không dẫn tới xung đột quân sự trực diện, nhưng nhấn mạnh nước này phải thực hiện nhiều nỗ lực để "ngăn chặn mối đe dọa ngày càng lớn từ tập thể phương Tây do Mỹ dẫn đầu".
Ông Mashkov chỉ ra rằng tên lửa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quân sự của các cường quốc then chốt trong khu vực. Tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới đã cải thiện đáng kể mọi thông số, như tầm bắn, tải trọng đầu đạn và độ chính xác, của các loại tên lửa từ chiến thuật đến xuyên lục địa.
"Điều này giúp các nước tăng đáng kể khả năng tung đòn đánh chiến lược và tiêu diệt cơ sở hạ tầng, mục tiêu quân sự then chốt nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, bất kể tên lửa có mang vũ khí hủy diệt hàng loạt hay không. Mọi yếu tố, trong đó có lá chắn toàn cầu của Mỹ và năng lực vũ khí của các nước láng giềng, sẽ cần được tính đến trong chiến lược tên lửa của Nga", Đại sứ Nga nói thêm.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Nga dự kiến chi 7,1% GDP, tương đương 1/3 ngân sách chính phủ, cho quốc phòng trong năm 2024. Giới chức Mỹ từng dự báo ngành công nghiệp quốc phòng Nga có thể sản xuất lượng đạn pháo nhiều hơn toàn bộ 32 nước thành viên NATO cộng lại trong năm nay.
Quan chức Ukraine đầu năm nay nói rằng Nga còn hơn 900 tên lửa tầm xa chính xác cao, thừa nhận kho dự trữ của Mosvka không bị suy giảm dù liên tục tập kích quy mô lớn vào lãnh thổ đối phương. Con số này không tính đến các loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân và siêu vượt âm nằm trong lực lượng răn đe chiến lược của Nga.
Giới chuyên gia quân sự và quan chức quốc phòng phương Tây hồi năm ngoái từng nhiều lần nhận định kho tên lửa Nga sắp cạn kiệt do tần suất sử dụng cao. Tuy nhiên, lực lượng Nga vẫn duy trì các cuộc tập kích mục tiêu tại Ukraine bằng nhiều loại vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa Kalibr và Iskander.
Vũ Anh (Theo RIA Novosti, Reuters)