"Hành động khẩp cấp và mạnh mẽ của mọi người là điều vô cùng cần thiết lúc này. Thời gian là thứ quan trọng với chúng tôi. Làm ơn hãy hành động", Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 9/4.
Đại sứ Myanmar kêu gọi thiết lập khu vực cấm bay, cấm vận vũ khí, đóng băng tài khoản ngân hàng và áp thêm các biện pháp trừng phạt với lực lượng quân đội nước này nhằm khôi phục chính phủ dân sự. Ông Tun cho biết thêm lập vùng cấm bay với quân đội Myanmar sẽ "ngăn các cuộc không kích nhằm vào khu vực dân sự".
"Tôi tin tưởng rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sẽ không để những hành động tàn bạo này tiếp tục diễn ra ở Myanmar", Đại sứ Tun nói, cáo buộc quân đội Myanmar nhắm vào dân thường và khiến cả trẻ nhỏ thiệt mạng.
Ông Kyaw Moe Tun hồi đầu tháng cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cắt đầu tư vào Myanmar cho đến khi chính phủ dân sự được khôi phục. Trước lo ngại của các quan sát viên quốc tế rằng lệnh trừng phạt kinh tế Myanmar có thể ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân, ông Tun nhấn mạnh "giữa tác động kinh tế và giải cứu người dân, vấn đề kinh tế có thể giải quyết sau".
Kể từ khi nổ ra đảo chính đầu tháng 2, Myanmar đã rơi vào chuỗi ngày hỗn loạn khi đám đông biểu tình liên tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự. Lực lượng an ninh Myanmar đã trấn áp mạnh tay, khiến hơn 600 người thiệt mạng, theo các nhóm quan sát địa phương.
Đại sứ Kyaw Moe Tun bị chính quyền quân đội sa thải sau bài phát biểu tại Đại hội đồng kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để phản đối đảo chính. Quân đội Myanmar cáo buộc hành động của ông Tun là "phản quốc" và phát lệnh bắt ông này hôm 18/3.
Tuy nhiên, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield tuyên bố vẫn công nhận ông Tun. Liên Hợp Quốc cũng có lập trường tương tự, khẳng định mọi thách thức nhằm vào vị trí của ông Tun phải được giải quyết tại ủy ban chứng nhận của cơ quan này.
Ngọc Ánh (Theo AFP)