Những vũ khí hạng nặng được lực lượng an ninh Myanmar sử dụng để đối phó với người biểu tình bao gồm súng phóng lựu, lựu đạn mảnh, súng máy và súng bắn tỉa, các quan chức Liên Hợp Quốc cho biết, trong bối cảnh đặc phái viên về Myanmar Christine Schraner Burgener sắp tới châu Á để thúc đẩy nỗ lực ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), một nhóm giám sát địa phương, trước đó cũng cho hay trong cuộc trấn áp tại thị trấn Kale hôm 7/4, lực lượng an ninh Myanmar đã ném lựu đạn và bắn súng máy vào đám đông biểu tình, khiến ít nhất 8 người thiệt mạng.
Các nhân viên cứu hộ cho biết tình trạng đổ máu tiếp tục diễn ra sáng nay, khi lực lượng an ninh phá dỡ chướng ngại vật người biểu tình dựng lên tại thành phố Bago, cách Yangon 65 km về phía đông bắc, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.
Theo AAPP, ít nhất 614 dân thường đã thiệt mạng và gần 3.000 người bị bắt trong các cuộc trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh Myanmar, kể từ khi quân đội lật đổ chính quyền dân cử của bà Suu Kyi hôm 1/2.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Burgener sẽ tới Thái Lan và Trung Quốc trong chuyến công du châu Á sắp tới để thảo luận về tình hình Myanmar. Tuy nhiên, thông tin chi tiết và thời gian chính xác của chuyến đi chưa được xác nhận.
Phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric hôm nay cho biết bà Burgener muốn đối thoại với các tướng quân đội Myanmar, nhưng chưa được phép tới nước này. "Bà Burgener đương nhiên sẵn sàng nối lại đối thoại với quân đội, để đóng góp cho quá trình trở lại con đường dân chủ, hòa bình và ổn định của Myanmar", Dujarric nói.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc còn dự định tới các quốc gia thành viên ASEAN trong chuyến công du. "Bà Burgener từng nhiều lần nhấn mạnh phản ứng quốc tế mạnh mẽ đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại Myanmar đòi hỏi một nỗ lực thống nhất trong khu vực, liên quan đến các nước láng giềng, những bên có thể thúc đẩy sự ổn định", Dujarric cho hay.
Bạo lực và đổ máu tại Myanmar làm dấy lên phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế. Mỹ hôm 8/4 áp đặt thêm loạt lệnh trừng phạt nhắm vào công ty đá quý quốc gia Myanmar, trong nỗ lực chặn đứng nguồn thu nhập của chính quyền quân sự.
Tuy nhiên, quân đội Myanmar tuyên bố họ chỉ sử dụng "vũ lực tối thiểu" để ngăn chặn người biểu tình trái phép. Chính quyền quân sự cũng cam kết sẽ tổ chức cuộc bầu cử mới sau khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.
Ánh Ngọc (Theo AFP)