"Chỉ số chất lượng không khí của Việt Nam thường ở mức không tốt cho sức khỏe và đây là vấn đề đáng lo ngại", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink nói tại buổi tọa đàm "Giải quyết vấn đề Khủng hoảng Chất lượng Không khí: Từ Hoa Kỳ đến Việt Nam" ở Hà Nội chiều 25/1. Ông cho rằng tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội đặc biệt nghiêm trọng vào mùa đông, mà một trong những nguyên nhân là do gió, thời tiết, đốt chất thải hoặc rơm rạ, khí thải từ phương tiện giao thông và sản xuất điện.
Nhiều ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội ở mức "rất xấu", như trong ngày 21/1, 5 điểm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ở Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI trên 200. Hơn 30 điểm quan trắc của Hà Nội không có điểm nào AQI trung bình, đa phần là "xấu" (tập trung ở nội thành) và "kém" (ở ngoại thành).
Đại sứ Kritenbrink cho biết phái đoàn Mỹ đã thiết lập những hệ thống giám sát chất lượng không khí ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, nhằm cung cấp các chỉ số chất lượng không khí cho nhân viên, công dân Mỹ ở Việt Nam cũng như tất cả ai quan tâm.
"Chúng tôi là một trong những cơ quan đầu tiên công bố dữ liệu về chất lượng không khí trực tuyến cho Việt Nam và hy vọng nỗ lực này sẽ cổ vũ các cơ quan khác làm điều tương tự", ông Kritenbrink nói.
Đại sứ Kritenbrink cho biết Mỹ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí hàng chục năm qua và mong muốn được chia sẻ điều đó với Việt Nam.
"Với tư cách là một người bạn của Việt Nam, dự định và mục tiêu của chúng tôi là muốn chia sẻ những kinh nghiệm mà Mỹ vất vả có được, đồng thời hợp tác với Việt Nam để chúng ta có thể có được bầu không khí sạch", ông cho hay.
Mỹ ban hành Đạo luật Không khí sạch vào năm 1970 cùng nhiều biện pháp phối hợp tích cực cấp liên bang và địa phương. Đến năm 2017 nước này đã giảm 73% khí phát thải gây ô nhiễm.
Ông Kritenbrink cho rằng để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, chính phủ Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào việc giám sát môi trường và thực thi các quy định, xử lý chất thải phù hợp, thay thế năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch.
Bà Brittany Thomas, đại diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), cũng chia sẻ nhiều hoạt động của tổ chức này cùng chính phủ Mỹ, nhằm hỗ trợ Việt Nam đối phó với ô nhiễm trong khí, như chương trình Clean Air Green City (CAGC, Thành phố xanh không khí sạch) hay dự án Hành động giảm ô nhiễm trị giá 11,3 triệu USD.
Bà Lê Thanh Thủy, Trưởng phòng quản lý dự án và truyền thông tại Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết thành phố đã có những động thái tích cực nhằm đối phó với ô nhiễm không khí. Nổi bật là hai chỉ thị 15, ban hành năm 2019 và 2020, về việc loại bỏ bếp than tổ ong và hạn chế đốt rơm rạ, cùng chỉ thị 19 về các giải pháp giải quyết chất lượng không khí ở Hà Nội. Theo bà, Hà Nội đã giảm 91,61% bếp than tổ ong kể từ năm 2017 tới tháng 12/2020.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại Hà Nội hiện chưa giảm. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hồi đầu tháng công bố hàng loạt nguyên nhân gây ô nhiễm như thời tiết, các cụm công nghiệp xung quanh phát triển manh, giao thông tăng cao, rác ùn ứ, đốt rác thải, hoạt động xây dựng, trong đó có lát đá vỉa hè, sản xuất cuối năm gia tăng.
Thanh Tâm