Yêu cầu này được Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu trong văn bản vừa gửi UBND TP HCM, khi đề cập việc gây ô nhiễm của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar ở huyện Củ Chi. Hai công ty được yêu cầu phải tiếp nhận, xử lý rác đúng công suất thiết kế, có biện pháp giải quyết hết lượng rác tồn đọng.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc hai doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường. Qua thanh tra, Tổng cục Môi trường chỉ rõ 2 công ty vi phạm từ năm 2018 tới nay nhưng chưa được khắc phục.
Cụ thể, Công ty Vietstar công suất thiết kế xử lý 1.400 tấn rác mỗi ngày. Tuy nhiên, công ty tiếp nhận vượt công suất 400 tấn, từng bị xử phạt. Ngày 16/12/2020, Tổng cục Môi trường kiểm tra, phát hiện công ty thu nhận khoảng 2.000 tấn rác mỗi ngày.
Ở khu vực ngoài trời, công ty lưu giữ khoảng 160.000 tấn chất thải trơ tại hai bãi rộng khoảng 32.000 m2. Nhiều khu vực ở bãi không được phủ kín, để lộ chất thải ra ngoài trời. Nước rỉ rác từ hai bãi được thu gom qua rãnh nhưng nhiều vị trí không phủ kín nên nước thấm vào đất.
Tương tự, trong năm 2018 Công ty cổ phần đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa có công suất xử lý 1.000 tấn rác mỗi ngày nhưng tiếp nhận 1.200 tấn. Được Tổng cục Môi trường cảnh báo nhưng đến ngày 16/12/2020, công ty vẫn nhận 1.300 tấn mỗi ngày.
Ngoài trời, công ty lưu giữ 240.000 tấn chất thải trên diện tích hơn 63.000 m2. Nhiều khu vực không được che phủ kỹ, để lộ chất thải ra ngoài. Nước rỉ rác không được thu gom, thấm vào đất, chảy vào hồ trong khuôn viên công ty.
Hiện, mỗi ngày TP HCM thải ra khoảng 9.300 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp), mỗi năm tăng 10%. Đầu năm ngoái, UBND TP HCM thông qua điều chỉnh phân loại rác tại nguồn từ ba nhóm (hữu cơ, vô cơ, tái chế) thành hai nhóm (tái chế, rác thải còn lại). Việc thay đổi nhằm phù hợp với công nghệ đốt rác phát điện mà thành phố đang thực hiện, giảm tỷ lệ chôn lấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ chất thải công nghiệp, y tế ở thành phố được thu gom và xử lý; 90% chất thải xây dựng được xử lý, trong đó 60% được tái chế. Đến năm 2023, 60% hộ gia đình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, tỷ lệ này tăng dần vào các năm sau.
Trung Sơn