Sáng 6/1, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin về nguyên nhân suy giảm chất lượng không khí những ngày gần đây. Theo đó, cơ quan môi trường thủ đô nhận định, do thời tiết chuyển mùa làm chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, sáng sớm và chiều muộn hình thành lớp sương mù dày đặc cản trở việc khuếch tán, gây ô nhiễm cục bộ.
Ngoài ra, vùng thủ đô địa hình chủ yếu là đồng bằng, bao bọc xung quanh TP Hà Nội lại là các khu, cụm công nghiệp đang phát triển mạnh ở Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Điều kiện khí tượng sương mù sát mặt đất gây ra hiện tượng quẩn gió, các chất ô nhiễm không phát tán được và tích tụ tại Hà Nội cũng như một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Về nguyên nhân phát thải gây ô nhiễm nội tại trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề cập đến hoạt động giao thông tăng cao sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch; tình trạng rác thải ùn ứ, không được vận chuyển đến bãi xử lý làm gia tăng tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát; đốt rơm rạ.
Cùng với đó, các hoạt động xây dựng, lát đá vỉa hè và sản xuất cuối năm để cung ứng hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán..., cũng ảnh hưởng đến chất lượng không khí trên địa bàn.
"Từ nay đến tháng 3/2021 là khoảng thời gian xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hướng tới sức khỏe người dân", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dự báo.
Kết quả quan trắc của Chi cục Môi trường TP Hà Nội tại 35 trạm đo trên địa bàn từ ngày 29/12/2020 đến 5/1 cho thấy chỉ số chất lượng không khí xu hướng xấu đi từ ngày đầu năm 2021, đến sáng 5/1 chạm ngưỡng "rất xấu".
Lúc 9h ngày 6/1, kết quả quan trắc thể hiện chất lượng không khí các quận nội thành ở mức xấu (AQI 163). Cơ quan môi trường khuyến cáo nhóm người nhạy cảm nên tránh các hoạt động ngoài trời.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nói việc Hà Nội xác định các nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí là cần thiết để tìm phương án cải thiện trước mắt cũng như lâu dài.
"Với các nguyên nhân được nêu ra, chúng ta thấy để cải thiện chất lượng không khí không chỉ riêng ngành tài nguyên môi trường làm được mà cần sự phối hợp của các ban ngành, địa phương và người dân", ông Tùng nói và đơn cử để hạn chế đốt rác thải cần có sự vào cuộc của tổ dân phố và đồng thuận của người dân.
Năm 2019, Hà Nội xảy ra nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài. Khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đưa ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm như khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kêu gọi người dân ủng hộ các biện pháp của thành phố và có hành động cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Võ Hải - Gia Chính