"Đài Loan đang thảo luận với Mỹ để mua thủy lôi nhằm ngăn chặn các chiến dịch tấn công đổ bộ, cũng như tên lửa hành trình để phòng thủ bờ biển. Chúng tôi muốn phát triển năng lực tác chiến phi đối xứng có hiệu quả về kinh tế, nhưng đủ nguy hiểm để trở thành khả năng răn đe, ngăn ngừa mọi tham vọng xâm lược", đại diện chính quyền Đài Loan tại Mỹ Hsiao Bi-khim nói hôm 12/8.
Bà Hsiao cho biết Đài Bắc đang phối hợp với Washington để bảo đảm các tên lửa hành trình mua từ Mỹ có thể vận hành cùng hệ thống tên lửa Hùng Phong do hòn đảo tự phát triển. "Chúng tôi đang đối mặt với vấn đề sống còn", quan chức Đài Loan giải thích thêm về lý do hòn đảo muốn mua thêm vũ khí Mỹ.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trước đó đặt ưu tiên hàng đầu vào mở rộng và tăng tốc các chương trình nâng cao năng lực tác chiến phi đối xứng cho hòn đảo. Chang Che-ping, quan chức số hai của cơ quan phòng vệ Đài Loan, hồi tháng 5 cho biết lực lượng vũ trang hòn đảo muốn mua tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ chế tạo nhằm cải thiện năng lực phòng thủ và có thể nhận những quả đạn đầu tiên vào năm 2023.
Đài Loan cũng đang đàm phán mua 4 trinh sát cơ không người lái Sea Guardian của Mỹ với giá trị khoảng 600 triệu USD. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 7 duyệt hợp đồng nâng cấp tên lửa Patriot trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan, không lâu sau khi thông qua kế hoạch bán 18 ngư lôi hiện đại cho Đài Bắc.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và sẵn sàng dùng vũ lực để thống nhất nếu cần thiết. Bắc Kinh gần đây gia tăng áp lực với Đài Bắc khi nhiều lần tổ chức diễn tập quy mô lớn quanh đảo Đài Loan với các khí tài hiện đại nhất trong biên chế.
Dù công nhận chính sách "Một Trung Quốc", Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng thường không cung cấp những khí tài hiện đại nhất để tránh gây căng thẳng với Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt nhiều hợp đồng vũ khí với trị giá nhiều tỷ USD cho Đài Loan kể từ năm 2018 đến nay.
Vũ Anh (Theo Reuters)