Tài liệu Hỏi - Đáp về kỳ thi THPT quốc gia nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của thí sinh. VnExpress trích đăng các giải đáp.
- Cách thức xét công nhận tốt nghiệp THPT, ngưỡng tối thiểu xét tốt nghiệp, ĐH, CĐ năm 2015 có gì khác so với năm trước?
- Để đảm bảo học sinh “học gì, được đánh giá nấy”, khuyến khích học sinh phải học đều để đạt yêu cầu cơ bản đối với tất cả các môn, nhất là ở lớp 12 để tốt nghiệp THPT và có hồ sơ dự tuyển ĐH, CĐ tốt, Bộ sẽ kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh.
Ngưỡng điểm tối thiểu là mức điểm thấp nhất được sử dụng xét công nhận tốt nghiệp THPT hoặc xét trúng tuyển ĐH, CĐ có tác dụng đảm bảo chất lượng của thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT hoặc thí sinh trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Điểm để xét công nhận tốt nghiệp, gồm điểm thi 4 môn tối thiểu (3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn) kết hợp với điểm trung bình học tập cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có). Điều kiện để thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được quy định cụ thể trong quy chế thi, nhưng về cơ bản tương tự như Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành.
Căn cứ vào kết quả các môn thi của kỳ thi, Bộ sẽ có quy định ngưỡng điểm tối thiểu đối với tổ hợp các môn thi để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ; đồng thời tạo thuận lợi, giảm áp lực, khó khăn cho các trường trong công tác xét tuyển.
- Với phương án thi mới liệu có làm giảm tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT?
- Bộ GD&ĐT không đặt vấn đề đỗ tốt nghiệp bao nhiêu phần trăm và sẽ không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2. Kết quả thi sẽ phản ánh đúng thực chất và do chính kết quả học tập quyết định. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2014 các môn thi gần với phân bố chuẩn (có dạng hình chuông), phản ánh đúng kết quả học tập. Từ đó có thể dự đoán kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 tỷ lệ tốt nghiệp sẽ không biến động nhiều, không như kết quả thi tốt nghiệp năm 2007.
Bộ sẽ công bố phổ điểm, để xã hội biết chất lượng đề thi, kết quả thi của thí sinh và các trường ĐH, CĐ sẽ dựa vào đó để xét tuyển.
- Những đổi mới trong kỳ thi THPT quốc gia có liên quan như thế nào đối với công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ?
- Kỳ thi THPT quốc gia có ba điểm mới liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH: Kết quả thi vừa dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh; Thí sinh đăng ký dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi; Các trường ĐH, CĐ tự chủ và linh hoạt trong việc vừa tuyển sinh theo các khối thi như trước đây, vừa đề xuất các khối thi mới phù hợp với yêu cầu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo; Quản lý kết quả thi theo hướng tập trung, thí sinh ảo giảm.
Đối với thí sinh, việc đăng ký dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây; các em lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục đại học; cho phép các trường tuyển được thí sinh có năng lực sát hơn với ngành nghề đào tạo. Với cách thức tuyển sinh mới, thí sinh sẽ linh hoạt trong việc chọn các khối thi phù hợp.
Việc thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường phát triển. Các trường muốn tuyển được thí sinh có chất lượng vào học phải xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo. Đây là động lực bên trong để các cơ sở giáo dục đại học có các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
- Quyền tự chủ của các trường ĐH, CĐ và quyền chủ động của thí sinh trong tuyển sinh được thực hiện như thế nào khi sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia?
- Thực hiện theo quy định tại Điều 34 của Luật Giáo dục đại học, dựa vào các quy định của Quy chế tuyển sinh. Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia với ngưỡng điểm tối thiểu của tổ hợp môn thi (khối thi) do Bộ hướng dẫn sẽ tạo thuận lợi, giảm áp lực, khó khăn cho các nhà trường. Từng trường ĐH, CĐ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia (sau đây gọi tắt là kết quả thi) để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể (xét điểm của những môn nào? Hệ số tính điểm của mỗi môn…) để xét tuyển phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo.
Cụ thể: Chỉ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh; Kết hợp sử dụng kết quả thi với xét học bạ của thí sinh; Sử dụng kết quả thi nhưng thi bổ sung thêm (thi năng khiếu); Sử dụng kết quả thi kết hợp với các hình thức kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, IQ và các hình thức phù hợp khác; Sử dụng trực tiếp kết quả 4 môn thi tối thiểu.
Để thực hiện các phương thức tuyển sinh trên, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định tại quy chế tuyển sinh, đồng thời công bố công khai để thí sinh chủ động tham khảo.
Nếu không sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, trường có thể tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Bộ Giáo dục sẽ quy định cụ thể các đợt thi tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh. Các trường công bố thời gian tổ chức thi trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.
- Bộ GD&ĐT quy định mỗi thí sinh được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng để dự tuyển vào ĐH, CĐ?
- Trước đây, khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Năm 2015, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh và yêu cầu xét tuyển của các trường, Bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu kỳ thi hỗ trợ đăng ký thi, đăng ký tuyển sinh với phương châm khắc phục những hạn chế ở các kỳ tuyển sinh năm trước, trong đó có tình trạng thí sinh ảo.
Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh sẽ tiến hành xét tuyển trong 2 đến 3 đợt; trong mỗi đợt, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký một số nguyện vọng (được quy định cụ thể trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy).
- Thời gian tổ chức thi của các trường tuyển sinh riêng được quy định như thế nào?
- Bộ sẽ quy định cụ thể các đợt thi tuyển sinh riêng trong quy chế tuyển sinh (không trùng với kỳ thi THPT quốc gia). Các trường công bố thời gian tổ chức tuyển sinh trong Đề án tuyển sinh riêng.
Một trong hai mục đích của kỳ thi là lấy kết quả thi làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh. Việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia có kèm theo các điều kiện khác hay không là tuỳ trường ĐH, CĐ, mỗi trường chọn phương án tối ưu nhất cho mình. Vì vậy, Bộ Giáo dục không khống chế số lượng trường tổ chức kiểm tra bổ sung; các trường ĐH, CĐ có những yêu cầu riêng đều có thể tổ chức thêm kì kiểm tra năng lực khác như: phỏng vấn, viết luận… để chọn thí sinh cho phù hợp với ngành nghề đào tạo.
- Việc xét tuyển vào ĐH, CĐ là lấy điểm 4 môn thi tối thiểu để xét hay tuỳ vào trường ĐH, CĐ mà lựa chọn điểm của từng môn theo yêu cầu để xét tuyển.
- Kết quả của 4 môn thi tối thiểu sẽ được sử dụng kết hợp với điểm trung bình học tập lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT cho tất cả thí sinh. Điểm các môn này đồng thời cũng được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành phù hợp của từng trường ĐH, CĐ.
Còn việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, các trường sẽ công bố các môn thi trên cơ sở các khối thi truyền thống. Đối với một số trường, ngành đặc thù có thể có điều chỉnh, xây dựng thêm một số tổ hợp môn thi mới (khối thi); các trường sẽ công bố trước ngày 15/10/2014 để thí sinh biết và thực hiện.
Như vậy, để tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ, ngoài các môn đã trùng với các môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, thì các em sẽ lựa chọn thêm môn thi phù hợp để có thêm cơ hội vào các trường ĐH, CĐ.
- Bộ Giáo dục có quy định gì dành cho thí sinh thi liên thông (chưa đủ 36 tháng sau khi tốt nghiệp) tham dự kỳ thi?
- Thi liên thông được quy định trong Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012. Những thí sinh có bằng tốt nghiệp TCCN, CĐ chưa đủ 36 tháng thì dự thi kỳ thi THPT quốc gia nhưng chỉ cần đăng ký thi những môn cần thiết để xét vào các ngành của trường ĐH, CĐ lựa chọn. Hiện nay, chưa có quy định nào về vấn đề ưu tiên cho thí sinh thuộc nhóm này.
- Các trường ĐH, CĐ nếu không có Đề án tuyển sinh riêng, khi thiếu nguồn tuyển có được phép gửi giấy gọi tới các thí sinh thi ở cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì đạt điểm trên ngưỡng xét vào ĐH, CĐ hay không?
- Các trường ĐH, CĐ được tự chủ tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy do Bộ trưởng GD&ĐT ban hành. Đối với các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh thì phải công bố phương án tuyển sinh của trường, trong đó nêu rõ mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh trước ngày 1/1 hằng năm (đối với tuyển sinh năm 2015, các trường sẽ công bố phương án tuyển sinh trước 15/10/2014).
Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố Đề án tuyển sinh riêng theo quy định của quy chế (trước ngày 31/10/2014).
Các thí sinh thi ở các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, sẽ có thể tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh; những trường này có Đề án tuyển sinh riêng.
Với các lý do trên, nếu các trường ĐH, CĐ không công bố Đề án tuyển sinh riêng theo quy định (chậm nhất ngày 31/10/2014), nhưng sau đó do thiếu nguồn tuyển nên gửi giấy gọi tới các thí sinh thi ở cụm thi do Sở Giáo dục chủ trì (ngay cả khi các thí sinh này đạt điểm trên ngưỡng xét vào ĐH, CĐ) là không đúng quy định nên không được phép thực hiện.
- Trong kỳ thi THPT quốc gia, các chế độ ưu tiên được thực hiện như thế nào?
- Các chế độ ưu tiên, tuyển thẳng đã quy định trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành (như chế độ ưu tiên theo khu vực, theo đối tượng, thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế...) sẽ được tiếp tục áp dụng đối với Kì thi THPT quốc gia từ năm 2015. Bộ GDĐT sẽ cập nhật, bổ sung những chính sách mới của Đảng, Nhà nước về các chế độ ưu tiên để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
- Theo thông lệ, thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT thì không phải đóng lệ phí, thí sinh thi ĐH, CĐ phải đóng lệ phí; vậy các thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 có phải đóng lệ phí không?
- Những học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ không phải nộp lệ phí, còn những học sinh đăng ký dự thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí. Những nội dung chính về công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ GD&ĐT công bố. Những vấn đề còn lại mang tính kỹ thuật của kỳ thi này sẽ được đưa vào quy chế và các văn bản hướng dẫn mà Bộ sẽ công bố để thí sinh và toàn xã hội biết.
- Những thí sinh thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì và được cấp bằng tốt nghiệp THPT năm 2015 có được tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ không? Nếu được thì sẽ phải thi những môn thi nào?
- Những thí sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, được tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Những thí sinh này không phải dự thi cả 4 môn thi tối thiểu của kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp, mà chỉ đăng ký thi những môn thi phù hợp với ngành đào tạo của trường ĐH, CĐ phục vụ cho tuyển sinh.
Ví dụ: Thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ mà trường công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì thí sinh chỉ đăng ký dự thi 3 môn: Toán, Vật lý, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng ký dự thi các môn phù hợp.
Xuân Hoa