Tài liệu Hỏi - Đáp về kỳ thi THPT quốc gia nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của thí sinh dự thi. VnExpress trích đăng các giải đáp.
- Tại sao trong khi đang thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ mà Bộ lại cho phép học sinh được dùng chứng chỉ ngoại ngữ để thay thế môn thi và có nhiều nơi được chọn môn thay thế?
- Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế thì ngoại ngữ là công cụ rất quan trọng đối với người lao động, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là lý do chính để kết quả thi ngoại ngữ được chọn là điều kiện bắt buộc khi xét tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, do những điều kiện khác nhau, việc tổ chức dạy và học ngoại ngữ trong thời gian qua là không đồng đều, chất lượng dạy học ngoại ngữ có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền, nhất là giữa các đô thị lớn với vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên cả nước. Điều kiện dạy học không đảm bảo chất lượng thể hiện chủ yếu ở các khía cạnh sau: giáo viên dạy môn Ngoại ngữ chưa đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ; việc thực hiện chương trình không liên tục; do học sinh chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ;... Những nội dung này sẽ được cụ thể hoá trong quy chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kfy thi THPT quốc gia, Giám đốc Sở GDĐT căn cứ quy định của quy chế thi và thực tế của địa phương để báo cáo Bộ GDĐT xem xét, quyết định việc chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng, việc cho phép các thí sinh lựa chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ chỉ là giải pháp tình thế trước mắt, các nhà trường chưa đủ điều kiện phải tập trung nỗ lực để nhanh chóng đáp ứng điều kiện tối thiểu về dạy học ngoại ngữ. Việc này nhằm tạm thời tránh áp lực cho nhà trường để tập trung khắc phục khó khăn, nhất là việc tạm thời không phân công giảng dạy để giáo viên yên tâm đi học chuẩn hoá năng lực, nhanh chóng đáp ứng điều kiện tối thiểu để học sinh được học và thi ngoại ngữ có chất lượng thật sự trong các năm sau.
Bên cạnh đó, việc cho phép các thí sinh được dùng chứng chỉ ngoại ngữ được khẳng định là đảm bảo chất lượng, theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố, để xét công nhận tốt nghiệp nhằm tạo động lực học tập tích cực, khuyến khích các thí sinh tận dụng cơ hội ngoài nhà trường để học và thi ngoại ngữ đạt chuẩn và có giá trị quốc tế.
- Vậy những chứng chỉ nào sẽ được sử dụng để miễn thi ngoại ngữ cho xét công nhận tốt nghiệp THPT?
- Bộ GD&ĐT sẽ sớm cụ thể hoá quy định về miễn thi môn ngoại ngữ (trong đó có môn tiếng Anh) để xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng chấp nhận các chứng chỉ quốc tế thuộc hệ thống chứng chỉ tương thích với khung tham chiếu châu Âu (tức là cũng tương thích với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam), thông dụng và do các tổ chức khảo thí có uy tín cấp. Các thí sinh đoạt giải Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ cũng sẽ được miễn thi (ví dụ Olympic quốc tế môn Tiếng Nga).
Đề thi ngoại ngữ trong những năm trước mắt sẽ có yêu cầu năng lực theo chuẩn của chương trình 7 năm, tiến tới sẽ theo yêu cầu của chương trình 10 năm và đánh giá đầy đủ 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.
- Đề thi được thiết kế như thế nào để đạt được mục đích của kỳ thi và đánh giá được toàn diện thí sinh?
- Với cách tiếp cận mới về quan điểm giáo dục toàn diện là trên cơ sở bảo đảm đạt chuẩn tối thiểu học vấn phổ thông, phải tạo được cho học sinh môi trường học tập thuận lợi để phát huy năng lực sở trường riêng của cá nhân theo định hướng nghề nghiệp hoặc học lên; hiện nay, các trường THPT đã và đang đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá môn học theo hướng đòi hỏi học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn để làm bài, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống.
Những năm gần đây, đề thi, nhất là đề thi các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn đã được ra theo hướng mở để tạo điều kiện cho học sinh huy động kiến thức tổng hợp, liên môn và vốn sống của học sinh vào việc làm bài (chẳng hạn, trong đề thi Ngữ văn có kiến thức về Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân...); khắc phục tình trạng bắt học sinh học thuộc lòng một cách máy móc.
Đề thi trong kỳ THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Đề thi phải đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đã đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hoá thí sinh, phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ). Nghĩa là, đề thi phải đánh giá được thí sinh ở cả bốn mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình, sách giáo khoa phổ thông như các kỳ thi năm 2014. Vì vậy, các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng, nhằm tạo thuận lợi cho các em có nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.
- Việc tổ chức hai cụm thi do trường ĐH chủ trì hoặc Sở GD&ĐT chủ trì có thể tạo ra sự không công bằng trong kết quả tốt nghiệp THPT giữa các địa phương, khi mà nơi thì coi thi rất chặt chẽ, nghiêm túc (cụm thi do các trường ĐH chủ trì), nơi thì coi thi có thể sẽ dễ dãi hơn (cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì)?
- Kỳ thi THPT quốc gia dù được tổ chức ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì hay tại các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì đều phải thực hiện theo đúng quy định của quy chế thi với kỹ thuật và quy trình tổ chức thi thống nhất trong cả nước.
Những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã được dư luận xã hội ghi nhận và đánh giá cao, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có những chuyển biến tích cực, trường thi an toàn, nghiêm túc, các hiện tượng tiêu cực, hiện tượng “phao thi” đã được khắc phục rất nhiều.
Tuy nhiên, xã hội vẫn còn những băn khoăn về tính nghiêm túc của các cụm thi do Sở Giáo dục chủ trì. Bộ đã lường được vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi tại các địa phương.
Bộ không phân biệt thí sinh thi tại cụm thi do Sở chủ trì với thí sinh thi tại cụm thi do trường ĐH chủ trì, các thí sinh sẽ cùng làm một đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn, nên chắc chắn hạn chế việc quay cóp, trao đổi bài, khắc phục hiện tượng dùng “phao thi”.
Bộ Giáo dục cũng sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương phối hợp để tổ chức tốt kỳ thi, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và kết quả thi có độ tin cậy cao. Đặc biệt, đối với các cụm thi do Sở chủ trì sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lí nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi.
Các sở Giáo dục phải xác định đây là kỳ thi THPT quốc gia duy nhất nên phải tổ chức nghiêm túc tại cụm thi do Sở chủ trì, sao cho kết quả có độ tin cậy, khách quan, không có những bất thường, mâu thuẫn với kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
Các giải pháp kỹ thuật sẽ được tăng cường trong đó có việc sử dụng phần mềm quản lý thi dùng chung với các chức năng quản trị cơ sở dữ liệu tiên tiến hỗ trợ thí sinh; các sở, các trường ĐH, CĐ và xã hội có thể theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi và xử lý kết quả thi.
- Các cụm thi được thành lập theo tiêu chí nào và có khoảng bao nhiêu thí sinh thi tại một cụm thi?
- Theo kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, một cụm thi trung bình khoảng 30 – 40 nghìn thí sinh là phù hợp. Từ kinh nghiệm này và dựa trên nguồn lực của các trường ĐH, CĐ (đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi tuyển sinh) Bộ sẽ bố trí các cụm thi theo khoảng cách địa lý hợp lý, đồng thời số cụm thi sẽ tăng hơn năm trước, rải ra trong cả nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự kỳ thi.
Các cụm thi sẽ được thành lập theo mô hình các cụm thi ĐH, CĐ ở Hải Phòng, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ như những năm trước đây. Bộ GD&ĐT sẽ khảo sát, xem xét kỹ lưỡng các yếu tố để cùng với các địa phương và các trường ĐH bàn bạc, thống nhất thành lập thêm các cụm thi. Các trường ĐH, CĐ sẽ cùng với các sở Giáo dục phối hợp để tổ chức tốt.
- Những thí sinh thi tại cụm thi do Sở chủ trì và được cấp bằng tốt nghiệp THPT năm 2015 có được tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ không? Nếu được thì sẽ phải thi những môn thi nào?
- Những thí sinh được cấp bằng tốt nghiệp THPT của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, được tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Những thí sinh này không phải dự thi cả 4 môn thi tối thiểu của kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp, mà chỉ đăng kí thi những môn thi phù hợp với ngành đào tạo của trường ĐH, CĐ phục vụ cho tuyển sinh.
Ví dụ: thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ mà trường công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì thí sinh chỉ đăng kí dự thi 3 môn: Toán, Vật lí, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng kí dự thi các môn phù hợp.
- Những điểm kế thừa, đổi mới để tổ chức một kỳ thi thực sự nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao?
- Muốn tổ chức kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy cao thì phải làm tốt tất cả các khâu: từ ra đề thi, coi thi, chấm thi đến xử lí và sử dụng kết quả thi; phát huy các ưu điểm của mỗi kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong các năm trước nhưng có yêu cầu cao hơn, phát triển hơn. Những điểm chính là:
Sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, tương tự như các cụm thi tuyển sinh “3 chung” trong các năm trước.
Sẽ tiếp tục ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở; đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, ở cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Hiện nay, Bộ đã bước đầu xây dựng được ngân hàng đề thi; trong những năm tới ngân hàng đề sẽ được phát triển, hoàn thiện nhờ áp dụng các giải pháp hiện đại của khoa học đánh giá chất lượng giáo dục.
Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lí nghiêm những sai phạm xảy ra.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, xử lí kết quả thi và quản trị cơ sở dữ liệu của Kì thi một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và an toàn. Phần mềm máy tính sẽ hỗ trợ công tác truy vấn kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, công khai kết quả thi trên mạng, xử lí thống kê kết quả thi phục vụ đánh giá phản hồi chất lượng đề thi và hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Xuân Hoa