Tài liệu Hỏi - Đáp về kỳ thi THPT quốc gia nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến công tác tổ chức thi và quyền lợi của thí sinh dự thi. VnExpress trích đăng các giải đáp.
- Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học, các sở GD&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia?
- Trong việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) làm Trưởng Ban chỉ đạo thi, lãnh đạo trường ĐH, CĐ, lãnh đạo Sở GD&ĐT làm Phó trưởng ban chỉ đạo thi. Ở cụm thi do trường ĐH chủ trì, hiệu trưởng trường ĐH được giao làm Chủ tịch Hội đồng thi, lãnh đạo sở GD&ĐT làm Phó chủ tịch Hội đồng thi. Ở cụm thi tại địa phương, giám đốc Sở Giáo dục được giao làm Chủ tịch Hội đồng thi.
Các trường ĐH có đủ năng lực, điều kiện, uy tín và kinh nghiệm tổ chức thi sẽ được Bộ giao chủ trì, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học tại tỉnh (thành phố) và sở Giáo dục tổ chức coi thi, chấm thi và gửi kết quả chấm thi về Bộ GD&ĐT.
Các sở Giáo dục tham gia Ban chỉ đạo, phối hợp với trường ĐH tổ chức coi thi, chấm thi; chịu trách nhiệm tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi, chuyển dữ liệu đăng ký dự thi về Bộ GD&ĐT; xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh của địa phương và chủ trì cụm thi ở địa phương (nếu được Bộ Giáo dục thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức cụm thi) dành cho thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT, không lấy kết quả thi để tham gia tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi vào tuyển sinh.
Như vậy, vai trò của các trường ĐH, CĐ, các sở Giáo dục trong kỳ thi THPT quốc gia là rất lớn. Các trường ĐH được giao chủ trì cụm thi sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm chính cùng với các sở Giáo dục tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, kết quả thi đạt độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp yên tâm sử dụng trong công tác tuyển sinh.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT và các ban, ngành của địa phương cùng với các trường ĐH, CĐ tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế các khâu của kỳ thi; đảm bảo an ninh, an toàn các hội đồng coi thi, chấm thi trên địa bàn; tổ chức nghiêm túc các cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, để kết quả thi có độ tin cậy cao, khách quan, không xảy ra những bất thường, mâu thuẫn với kết quả thi của các thí sinh thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
- Với việc ngoài 3 môn thi bắt buộc, thí sinh được tự chọn các môn thi trong số các môn tự chọn có thể dẫn đến tình trạng học sinh học lệch không?
- Nghị quyết số 29-NQ/TW chỉ rõ “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; đồng thời, đáp ứng yêu cầu “tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên”; thí sinh phải thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (được xác định là cần thiết chung cho tất cả các học sinh) và một môn tự chọn (theo nguyện vọng và sở trường của từng học sinh) là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã thực hiện phân ban kết hợp với tự chọn nên phù hợp với chủ trương này.
Kết hợp sử dụng kết quả thi 4 môn thi tối thiểu với điểm học tập trung bình lớp 12 để xét công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo học sinh “học gì, được đánh giá nấy”. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh trong quá trình học tập được phân cấp cho giáo viên bộ môn và nhà trường. Điều này tạo điều kiện cho giáo viên phát huy vai trò trách nhiệm của mình trong quá trình dạy học, học sinh không coi nhẹ môn học nào, từng bước khắc phục quan niệm môn chính, môn phụ trong nhà trường.
Việc đưa vào kỳ thi các môn tự chọn là giảm áp lực cho các thí sinh, phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT và là giải pháp phù hợp với chủ trương định hướng nghề nghiệp, bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng tham gia thị trường lao động hoặc học tập của các em ở các bậc học sau.
Hơn nữa, xét trên bình diện toàn bộ học sinh lớp 12 trong cả nước, với việc cho học sinh tự chọn môn thi thì tất cả các môn thi sẽ được chọn, hướng tới sự cân đối, hài hoà hơn giữa các môn học trong nhà trường.
- Những thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì có còn cơ hội để vào học ở các trường ĐH, CĐ hay không?
- Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng nhu cầu của những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không có nguyện vọng lấy kết quả thi để dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ (dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh); tại một số địa phương đặc biệt khó khăn, không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GDĐT chủ trì.
Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện cần để thí sinh được vào học ĐH, CĐ. Tuy nhiên, điều kiện đủ để được tuyển vào học được quy định tại Đề án tuyển sinh riêng của từng trường. Hiện nay, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc (nhất là kỳ thi năm 2014) nhưng nhìn chung dư luận xã hội vẫn chưa thực sự tin cậy vào kết quả thi.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, những thí sinh dự thi tại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, chỉ thi 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, nhưng cơ hội hạn chế hơn vì phụ thuộc vào quy định của các trường này. Tuy nhiên, các thí sinh dự thi ở cụm thi do Sở GDĐT chủ trì vẫn còn cơ hội vào học ở các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo Đề án tuyển sinh riêng. Do đó, các em cần theo dõi thông tin về Đề án tuyển sinh riêng của các trường để tham gia tuyển sinh, tận dụng được những cơ hội để vào học tại các trường ĐH, CĐ này.
Việc tổ chức thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ với 4 cụm thi ở các thành phố như từ năm 2014 về trước vẫn chưa thật sự tạo thuận lợi cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến có những thí sinh học lực tốt nhưng do điều kiện không thể về các cụm thi ở các thành phố để dự thi tuyển sinh được. Năm 2015, việc mở rộng nhiều cụm thi do các trường ĐH chủ trì sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi, giúp các thí sinh thuận lợi hơn trong tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
- Ngoài 8 môn thi của Bộ ấn định trong kỳ thi THPT quốc gia thì các trường ĐH, CĐ thi tuyển các môn năng khiếu như hội hoạ, múa, hát, diễn kịch, thể dục thể thao vào thời điểm nào?
- Ngoài việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, các trường ĐH, CĐ tuỳ thuộc các ngành đặc thù của trường mình có thể có thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác. Trong đó các trường thuộc khối văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao... sẽ tổ chức thi năng khiếu (việc này đã được thực hiện trong những năm gần đây) theo phương thức được quy định rõ trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.
Các trường có các môn thi năng khiếu muốn sử dụng chung kết quả thì phải có văn bản thỏa thuận phối hợp và thể hiện trong Đề án tuyển sinh riêng của mỗi trường. Các trường sẽ có phương thức tổ chức thi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và phụ huynh. Thí sinh cần xem thông tin chi tiết về Đề án tuyển sinh riêng của các trường được công bố rộng rãi trên website của trường và phương tiện truyền thông khác trước ngày 1/1 hằng năm.
- Các trường được phép tự chủ về tuyển sinh, tổ chức các kỳ kiểm tra bổ sung như phỏng vấn, kiểm tra năng khiếu, bài viết luận, xét học bạ ở bậc phổ thông... Vậy các trường có tổ chức thi các môn đã tổ chức thi trong kỳ thi THPT quốc gia hay không?
- Để tuyển sinh vào trường ĐH, CĐ, các trường phải xây dựng phương án tuyển sinh đáp ứng các quy định tại Quy chế tuyển sinh và công bố công khai để thí sinh tham khảo. Các trường ĐH, CĐ chủ động đề xuất cách sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh với phương án cụ thể: Lấy điểm những môn nào? Các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển ra sao? Hệ số tính điểm của mỗi môn? Tổ chức các kỳ kiểm tra bổ sung với hình thức nào... để xét tuyển sinh phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo.
Để xây dựng Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, với mục đích của kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh vào ĐH, CĐ, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ; Giám đốc Sở Giáo dục; trường ĐH, CĐ; cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh trong cả nước. Sau đó, tổ chức Hội nghị triển khai Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội, Huế và TP HCM. Tuyệt đại đa số các trường ĐH, CĐ đều thống nhất sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh, không tổ chức thi các môn mà thí sinh đã có kết quả ở kỳ thi này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù và yêu cầu của ngành đào tạo có thể tổ chức thi năng khiếu, kiểm tra năng lực như: sơ tuyển, phỏng vấn, viết luận, kiểm tra IQ và các hình thức phù hợp khác.
Chậm nhất ngày 15/10 các trường ĐH, CĐ công bố phương án sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh, các thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể để chủ động học, ôn tập và định hướng lựa chọn ngành, trường để đăng ký dự thi.
Đối với các trường tổ chức thi theo Đề án tuyển sinh riêng, Bộ Giáo dục sẽ quy định cụ thể các đợt tuyển sinh riêng trong Quy chế tuyển sinh. Các trường công bố thời gian tổ chức thi trong Đề án tuyển sinh riêng của trường.
- Đối với những thí sinh thi từ những năm trước chưa đạt kết quả, năm 2015 thi lại thì phải thi những môn nào của kỳ thi THPT quốc gia?
- Nếu thí sinh chưa tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước, tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì phải thi 4 môn tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Nếu thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, năm nay chỉ cần đăng ký thi các môn phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Ví dụ: Thí sinh thi vào trường ĐH, CĐ công bố phương thức tuyển sinh các môn tương ứng với khối A thì chỉ đăng ký dự thi 3 môn: Toán, Vật lý, Hoá học. Như vậy, thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể về điều kiện tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà mình có nguyện vọng xét tuyển để đăng ký dự thi các môn phù hợp.
Xuân Hoa