Chiều 25/8, sau gần hai tháng tạm dừng để xem xét về các tình tiết mới phát sinh trong quá trình xét xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP HCM bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án 20 năm tù đối với bà Hứa Thị Phấn (72 tuổi, cựu Cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại 1.338 tỷ đồng cho nhà băng.
Tổng hợp với hai bản án trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.
Tòa cũng tuyên y án sơ thẩm 5 đến 7 năm tù đối với bị cáo Huỳnh Thị Xuân Dung, Bùi Thị Kim Loan (cháu gái và thư ký của bà Phấn) về cùng tội danh.
Theo HĐXX, bị cáo Phấn đã lớn tuổi, đang điều trị tại bệnh viện, tòa đã tống đạt quyết định xét xử đúng quy định nhưng vắng mặt. Bị cáo có luật sư bào chữa, HĐXX căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo khác để xét xử nên không ảnh hưởng.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án, lời khai của các bên tại tòa, HĐXX xác định các bị cáo phạm tội như cáo trạng truy tố là đúng người, đúng tội, không oan sai. "Hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn, vì vậy cần xử nghiêm các bị cáo mới đủ sức răn đe. Trong đó, bị cáo Phấn là chủ mưu, người đưa ra chủ trương, chỉ đạo nhân viên thực hiện các hành vi trái pháp luật", bản án nêu.
Về kháng cáo của ông Phạm Công Danh (cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng - VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) đề nghị tòa tuyên giao trả 2 ha (gồm 6 lô đất) tại An Phú, quận 2, cho mình theo thỏa thuận mua lại ngân hàng với bà Phấn, HĐXX cho rằng, tài sản này không được đề cập trong thỏa thuận chuyển nhượng. Hơn nữa, tài sản này đã được giải quyết trong giai đoạn một vụ án Hứa Thị Phần và đồng phạm nên không có căn cứ xem xét, giải quyết.
Toà phúc thẩm cũng bác yêu cầu kháng cáo của ông Danh và kháng nghị của VKS về việc giao 17 bất động sản trong số 114 bất động sản (bà Phấn dùng để thế chấp cho TrustBank vay 29 khoản) cho ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Theo HĐXX, những bất động sản này là của Công ty Tân Đông Hiệp không nằm trong phần thỏa thuận chuyển nhượng giữa nhóm Phú Mỹ và nhóm Thiên Thanh. Về pháp lý, các bất động sản này là của Công ty Phú Mỹ nhưng thực tế do Công ty Tân Đông Hiệp quản lý. Từ đó, toà xác định 17 bất động sản này không liên quan tới vụ án.
Tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng nghị của VKS và kháng cáo của ông Danh về việc "không phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường 901 tỷ đồng thiệt hại cho CB (tiền thân là VNCB)". "Cấp sơ thẩm buộc bị án Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi thường là không phù hợp, trái pháp luật. Bà Phấn là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại này cho CB", HĐXX nêu.
Trước đó, trong phần làm việc buổi sáng, HĐXX hỏi lại các bị cáo, đương sự liên quan đến các yêu cầu kháng cáo, song tất cả đều giữ nguyên quan điểm đã tranh luận trong những phiên làm việc hồi tháng 6.
Riêng luật sư của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh trình bày thêm, trong thời gian phiên tòa tạm dừng, luật sư đã vào trại giam làm việc với ông Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch Oceannank) xác minh các thông tin liên quan đến việc mua bán cổ phần, chuyển giao tài sản giữa nhóm bà Phấn và nhóm ông Danh.
Theo biên bản làm việc, ông Thắm xác nhận, sau khi thỏa thuận mua cổ phần từ nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Phấn làm đại diện) ông cho người vào kiểm tra ngân hàng và tình trạng tài sản đã quyết định không mua. Tuy nhiên, sau đó ông Thắm giới thiệu cho ông Danh mua cổ phần này của bà Phấn để nhận tiền môi giới 500 triệu đồng.
Ông Thắm xác nhận các nhóm tài sản đang thế chấp tại ngân hàng, hoặc tài sản của ngân hàng mà bà Hứa Thị Phấn bán kèm theo cổ phần gồm 24,5 ha đất tại Nhà Bè; 9 ha đất quận 2. Trong đó có 6 lô đất ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đang đề nghị tòa phúc thẩm tuyên buộc bà Phấn trả lại để khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, 6 lô đất này đang bị bản án xét xử giai đoạn một của bà Phấn tuyên kê biên để khắc phục hậu quả cho bà Phấn.
Theo bản án sơ thẩm, bà Phấn lợi dụng việc sở hữu lượng lớn cổ phần (gần 85%) Trustbank nên thao túng mọi hoạt động nhà băng. Bà chỉ đạo HĐQT và cấp dưới làm thủ tục để Trustbank đầu tư hơn 1.037 tỷ đồng vào 4 dự án bất động sản của 3 công ty do bà Phấn lập ra, nhằm chiếm đoạt hơn 901 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Phấn còn trực tiếp chỉ đạo đồng phạm thực hiện việc mua và nâng khống giá trị 4 bất động sản khác ở nhiều nơi bán lại cho ngân hàng với giá cao, chiếm đoạt hơn 437 tỷ đồng.
Hồi tháng 11 năm ngoái, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Phấn 20 năm tù. 5 bị cáo khác là cháu và nhân viên của bà Phấn bị phạt từ 2 năm tù treo đến 7 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bà Phấn bồi thường cho ngân hàng hơn 437 tỷ đồng. Khoản thiệt hại hơn 901 tỷ đồng tòa buộc bà Phấn và ông Danh có trách nhiệm liên đới theo hợp đồng chuyển quyền và nghĩa vụ giữa các bên năm 2012, khi ông Danh mua lại để tái cơ cấu ngân hàng.
Đối với 114 bất động sản bà Phấn dùng để đảm bảo cho 29 khoản vay tại TrustBank, HĐXX công nhận tuyên ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh được sở hữu 97 bất động sản, còn lại 17 bất động sản liên quan đến 4 khoản vay của bà Phấn giao cho Công ty Tân Đông Hiệp.
Không đồng ý với phán quyết này, VKS kháng nghị cho rằng cấp sơ thẩm buộc ông Danh có nghĩa vụ liên đới với thiệt hại của vụ án là "trái pháp luật". Đồng thời, VKS đề nghị tòa phúc thẩm công nhận toàn bộ 114 bất động sản liên quan đến 29 khoản vay cho ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.
Liên quan đến những sai phạm trong quá trình điều hàng TrustBank, cuối tháng 5/2018, bà Phấn bị TAND TP HCM đưa ra xét xử trong giai đoạn 1, tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù.
Một số hành vi khác của bà Phấn đang được cơ quan điều tra tách ra để xử lý trong giai đoạn ba của vụ án.
Hải Duyên