Chiều 29/8, TAND Hà Nội tiếp tục phiên xử đại án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank với phần thẩm vấn liên quan các vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng.
Theo cáo buộc, năm 2012, ông Hà Văn Thắm – nguyên chủ tịch OceanBank, gặp bà Hứa Thị Phấn (tức Sáu Phấn, đại diện nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) đặt vấn đề chuyển giao nhà băng này.
Ngày 23/2/2012, bà Phấn giao cho cháu là Ngô Kim Huệ (thành viên HĐQT, phó tổng giám đốc TrustBank) ký hợp đồng kinh tế với ông Thắm để bán gần 250 triệu cổ phần (gần 85% vốn điều lệ của ngân hàng này) với tổng giá trị ghi trong hợp đồng chỉ gần 4,5 tỷ đồng. Đổi lại, ông Thắm phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ, quyền được sở hữu tài sản đảm bảo từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư khoảng 920 tỷ đồng cùng một số nghĩa vụ khác của bà Phấn tại TrustBank.
Sau khi cho người vào điều hành, tiếp quản TrustBank, ông Thắm phát hiện có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng. Lúc đó, ông Thắm đã thỏa thuận, chuyển nhượng lại TrustBank cho ông Phạm Công Danh.
Ngày 9/10/2012, bà Phấn ký lại hợp đồng với ông Danh, chuyển nhượng hơn 250 triệu cổ phần TrustBank với số tiền 4,6 tỷ đồng. Tiếp quản TrustBank, ông Danh đã làm thủ tục đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng.
Để có 500 tỷ đồng thanh khoản cho nhà băng này, ông Danh mượn tài sản của bà Phấn để thế chấp cho OceanBank gồm Quyền phát sinh từ Hợp đồng đồng góp vốn đầu tư và xây dựng tại dự án Khu dân cư phức hợp (đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP HCM) của bà Ngô Kim Huệ, ông Hồ Văn Tân, Hứa Anh Thơ; gần 1,7 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Tập đoàn SSG của bà Ngô Kim Huệ; hơn 860.000 cổ phần tại SSG của bà Phấn cùng hơn 3,3 triệu cổ phần tại công ty này của bà Hứa Thị Bích Hạnh.
Sau đó, các ông Thắm và Danh sử dụng pháp nhân Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Trung Dung để vay tiền. Đây là công ty do ông Danh thành lập và thuê Trần Văn Bình làm tổng giám đốc, không có vốn cũng như bất cứ hoạt động kinh doanh gì.
Ngày 22/11/2012, ông Thắm và Nguyễn Văn Hoàn (phó tổng giám đốc OceanBank) thống nhất cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Hôm sau, Bình và Hoàn đã ký hợp đồng tín dụng dài hạn với nội dung OceanBank cho vay 500 tỷ đồng để Công ty Trung Dung bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Số tiền này được OceanBank giải ngân cho Trung Dung qua một ngân hàng để thanh toán 5 hợp đồng tín dụng của nhóm bà Sáu Phấn.
Cơ quan điều tra cáo buộc, số tiền 500 tỷ đồng trên không có khả năng thu hồi. Phía OceanBank bị thiệt hại đến thời điểm năm 2014 cả gốc lẫn lãi là hơn 540 tỷ đồng.
Trước tòa, ông Phạm Công Danh cho hay không muốn vay tiền của OceanBank vì đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào TrustBank để giải quyết việc thanh khoản cho khách hàng, song nhà băng này chưa hoạt động hiệu quả. Theo bị cáo, vì kinh nghiệm hạn hẹp nên không định làm tiếp nhưng được bà Phấn động viên.
Theo bị cáo Danh, bà Phấn sợ mất thanh khoản của TrustBank nên đề nghị ông tiếp tục hỗ trợ và vay 500 tỷ đồng. Ban đầu bà Phấn có động viên bị cáo tiếp tục đưa tiền nhưng lúc đó ông không còn tiền. Song bà nói nếu muốn vay thì sẽ giúp và cho mượn tài sản đảm bảo.
“Lúc đó bị cáo đang là chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, sao không đứng ra vay mà đứng dùng tư cách của công ty Trung Dung?”, tòa hỏi. “Lúc đó tôi làm ở Thiên Thanh rất tốt, trong khi bản thân tôi cũng không muốn tập đoàn dính líu đến vay mượn”, ông Danh nói. Cựu chủ tịch VNCB này còn tố nhóm bà Sáu Phấn là bên lo các thủ tục để cho mượn tài sản.
Trả lời về vai trò đồng phạm trong vụ án, ông Danh cho rằng, phán quyết như thế nào do HĐXX vì bị cáo không liên quan, cũng như không nhận khoản 500 tỷ đồng trên… “Vậy khoản vay chưa thu hồi, ai chịu trách nhiệm?”, tòa hỏi. Ông Danh trả lời: “Tài sản được thế chấp, được thẩm định của tổ chức tín dụng, nếu không có khả năng trả nợ thì tổ chức tín dụng đó phải chịu. Không phải tôi”.
Trước tòa, cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm phủ nhận cáo buộc “mua đi, bán lại” TrustBank. “Chẳng qua bị cáo không mua được thì rút lui. Bị cáo chỉ đứng ra giới thiệu bà Sáu Phấn với ông Danh”, ông Thắm khai.
Theo lời bị cáo, khi tiếp cận hồ sơ tài sản đảm bảo gồm có một số lô biệt thự, cổ phiếu của Tập đoàn SSG, 100% cổ phần (250 tỷ đồng) của công ty Trung Dung đã tin tưởng.
Thời điểm đó, cựu chủ tịch OceanBank nghĩ rằng công ty Trung Dung không có tiền thật nhưng họ đang sở hữu mảnh đất cho thuê và thu được lợi nhuận tốt. Theo ông Thắm vì dựa niềm tin vào trung tâm thương mại này của Trung Dung nên đã giải ngân 500 tỷ đồng. “Mấu chốt ở đây, TrustBank đã giải ngân cho khách hàng không đúng”, ông Thắm trình bày và cho hay việc giải ngân của OceanBank đảm bảo nguyên tắc pháp luật.
Về lô biệt thự, tài liệu thể hiện chưa có giấy tờ hợp pháp song ông Thắm giải trình việc cho vay “kiểu này” khá phổ biến ở các ngân hàng dù tài sản không đảm bảo. Theo bị cáo, lúc cho vay là công ty Trung Dung nhưng người sử dụng cuối cùng khoản tiền này là nhóm bà Sáu Phấn.
Về trách nhiệm khi OceanBank hiện chưa thu hồi được khoản cho vay trên, ông Thắm không thừa nhận cũng không phủ định cáo buộc. Song bị cáo mong HĐXX xem xét và bản thân không phản đối các quyết định của tòa.
Tòa công bố lời khai của bà Sáu Phấn cho thấy nữ đại gia này bị ông Thắm ép để chuyển nhượng TrustBank. Việc cho ông Danh mượn tài sản thế chấp cùng từ áp lực của Hà Văn Thắm. Bản thân bà và nhóm cổ đông lớn TrustBank không được hưởng lợi gì.
Đối chất tại tòa trước lời khai này, ông Thắm phủ nhận và cho rằng là một ông chủ nhà băng không “cớ gì làm vậy” để hại ngân hàng của mình.
Sáng mai, phiên tòa tiếp tục thẩm vấn.