Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các vụ việc liên quan đến cho vay nặng lãi bị cơ quan công an phát hiện và triệt phá. Gần nhất là việc "đại gia" Lê Thái Thiện, 55 tuổi, chủ biệt thự 'dát vàng' ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị bắt sau khi cho vay 8 tỷ đồng với lãi suất 105% mỗi tháng. Trước đó không lâu, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội tạm giữ Hiếu, tức Hiếu "Chùa Vua" và ổ nhóm để điều tra hành vi cho vay lãi nặng với lãi suất 121,6% một năm. Đây chỉ là một vài vụ việc điển hình cho hoạt động tín dụng đen đang ngày một bành trướng. Câu hỏi là tại sao người dân biết trước hoạt động và lãi suất cắt cổ như vậy nhưng vẫn chấp nhận nhắm mắt làm liều, vay nặng lãi?
Câu trả lời cho việc tín dụng đen nói chung và những kẻ cho vay nặng lãi nói riêng vẫn tồn tại, thậm chí sống khỏe, chính là bởi nhu cầu vay của người dân trong nước vốn quá lớn. Nay, lại thêm sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khó khăn về tài chính đã bủa vây, "gõ cửa" từng nhà, từng người, khiến nhu cầu về vốn lại càng tăng cao. Đây chính là thời điểm "vàng", là mảnh đất màu mỡ, để tín dụng đen vươn vòi bạch tuộc, phát triển chóng mặt.
Trong khi đó, không phải cũng có cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn vay chính thống từ ngân hàng. Một phần do thủ tục còn nhiều phức tạp, tốn thời gian, phần khác là bởi những quy định ngặt nghèo về thế chấp, tín chấp, khiến không ít người nản lòng. Thế nên, dù biết lãi suất của tín dụng đen lên tới 100%, thậm chí 300%, nhiều người vẫn chấp nhận đánh cược để vay với hy vọng thoát hiểm. Tất nhiên, phần lớn trong số đó dễ dàng rơi vào cái bẫy của tín dụng đen để rồi nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, mãi mãi không bao giờ thoát ra được cái lưới nợ nần.
>> Ngăn chặn 'virus' tín dụng đen lây lan cộng đồng
Vậy phải làm sao để ngăn chặn tận gốc vấn nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen? Chắc chắn không thể chỉ trông chờ vào các cơ quan công an, điều tra, bởi chúng ta sẽ không đủ lực, đủ sức để chạy đuổi theo phía sau hoạt động này. Không phải nạn nhân vay nặng lãi nào cũng đủ dũng cảm để tố giác tín dụng đen. Thế nên một vài vụ việc bị phanh phui, một vài cá nhân, hội nhóm bị bắt giữ cũng không thể làm chùn chân những kẻ khác.
Muốn ngăn chặn triệt để hoạt động cho vay nặng lãi, chúng ta phải bắt đàu từ chính gốc dễ của vấn đề, đó là đáp ứng được tốt nhất nhu cầu vay vốn của người dân. Chỉ khi nào đại bộ phận dân chúng dễ dàng tiếp cận được với vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, khi ấy người ta mới không phải tìm đến tín dụng đen để vay nặng lãi. Muốn vậy, cần thiết phải có sự chung tay hỗ trợ từ phía hệ thống ngân hàng, giảm bớt thủ tục và thời gian cho vay, có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, cũng cần sự giúp sức từ những chính sách của Nhà nước trong việc cải cách quy định, chính sách, thủ tục hành chính để hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng tiếp cận vốn vay chính thống hơn. Làm được như vậy, đất sống của cho vay nặng lãi và tín dụng đen xem như bị triệt tiêu từ gốc. Những kẻ như Thiện và Hiếu sẽ không còn cơ hội để trục lợi, làm giàu trên mồ hôi, công sức, tài sản của người khác.
Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 về lãi suất vay, "trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác...".
Điều 201 BLHS sửa đổi, bổ sung 2017 cũng quy định về tội cho vay nặng lãi: "Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.