Trên thế giới, Anh là nước đầu tiên lập Bộ này vào năm 2018. Nay Nhật Bản là nước thứ hai. Do sự cô lập có liên quan tới nhiều vấn nạn xã hội khác như tự tử, nghèo đói và hikikomori (xa lánh cộng đồng), chính phủ thành lập cả một đội đặc nhiệm để giải quyết tình trạng.
Động thái này cho thấy sự lo lắng của Thủ tướng Suga trước số vụ tự tử tăng lên gần đây ở Nhật Bản.
Theo số liệu sơ bộ từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, 20.919 người đã tự sát vào năm 2020, tăng 750 vụ so với năm 2019, và là đợt tăng đầu tiên trong 11 năm. Trong đó, số vụ tự tử của phụ nữ và thanh niên tăng rõ rệt. Khi giao vị trí cho Sakamoto, Thủ tướng Suga bày tỏ lo ngại ngày càng nhiều phụ nữ cảm thấy cô đơn và dễ tự tử, đồng thời hướng dẫn ngài Bộ trưởng đưa ra các chính sách toàn diện chống lại tình trạng này.
Trong cuộc trao đổi với Ủy ban Ngân sách Hạ viện vào đầu tháng 2, ông Suga cho biết mọi người dân, từ những người lớn tuổi mắc kẹt ở nhà và sinh viên đại học không thể đến lớp, đang ngày càng cảm thấy bị cô lập trong thời Covid-19.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra tác động của tình trạng này đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Một trong những báo cáo nổi bật nhất năm 2018 được thực hiện bởi tổ chức y tế Cigna kết luận cô đơn ảnh hưởng đến tỷ lệ tử vong tương tự như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả béo phì.
Theo chuyên gia truyền thông Junko Okamoto, xu hướng ở một mình đang nổi lên gần đây, thậm chí còn được tôn vinh. Những cuốn sách mô tả sự cô lập là bằng chứng cho tính độc lập và vượt trội cá nhân thì bán đắt như tôm tươi. Okamoto cho rằng trạng thái sùng bái này đã lấn át và đẩy nhiều người đến khía cạnh nguy hiểm của sự cô đơn.
Trong một cuộc khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2005, Nhật Bản phải vật lộn với mức độ cô lập cao, đặc biệt là ở nam giới. Kết quả cho thấy tỷ lệ đàn ông Nhật hiếm khi dành thời gian với bạn bè, đồng nghiệp và các nhóm xã hội ở mức 17%, vượt xa mức trung bình 6% của OECD. Số nam giới Nhật Bản chịu cô độc nhiều hơn nữ giới và chênh lệch này khá lớn so với các nước khác.
Nguyên nhân là do tình trạng làm việc nhiều giờ và hình thức tuyển dụng trọn đời ở Nhật Bản. "Một thế hệ đàn ông bị tẩy não, cắm đầu cắm cổ làm việc. Công việc là nguồn vui, là thứ định hình con người. Họ thường bận bịu đến nỗi không thể tìm một sở thích hay hòa nhập cộng đồng", Okamoto, tác giả của cuốn sách "Đàn ông trung niên Nhật Bản – Những người cô đơn nhất thế giới", cho hay. Lối ứng xử dựa trên thứ bậc cũng khiến mọi người có phần xa cách trong môi trường công sở.
Lo ngại cũng tăng lên về những người sống một mình, dễ có xu hướng xa lánh cộng đồng. Tại Nhật Bản, số người độc thân suốt đời và xu hướng kết hôn muộn ngày càng tăng sẽ đẩy tỷ lệ những người sống một mình lên gần 40% tổng số hộ gia đình vào năm 2040, gần gấp đôi mức của năm 1970.
Nhật Bản có nhiều tai tiếng về cái chết cô độc của những người sống đơn thân. Nhiều trường hợp được phát hiện rất lâu sau thời điểm tử vong. Một cuộc khảo sát quốc tế do Văn phòng Nội các thực hiện vào năm 2015 cho thấy tỷ lệ người Nhật từ 60 tuổi trở lên cảm thấy không có người nương tựa khi cần là 16,1% - mức cao nhất, so với 13 % ở Mỹ, 10,8% Thụy Điển và 5,8% Đức.
Một cuộc thăm dò năm 2018 của nhóm nghiên cứu thuộc công ty quảng cáo bất động sản Lifull Co. nhận thấy nỗi cô độc phổ biến ở những người độc thân Nhật Bản, trong đó 75,7% cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi giao tiếp với hàng xóm. Tỷ lệ này ở những hộ có từ hai người trở lên là 54,1%.
"Trước đại dịch, một ngày của những người sống đơn thân tại các thành phố sẽ như sau: Họ làm việc từ sáng đến tối, nhấm nháp một vài ly sau giờ làm hoặc đi ăn tối với bạn bè và sau đó trở về nhà. Họ thường chỉ mua đồ dùng, thực phẩm tại một cửa hàng tiện lợi gần đó, nơi họ hầu như không nói chuyện với bất kỳ ai. Đối với họ, nhà đơn giản là nơi để ngủ sau khi đi làm về", Manjo Shimahara, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Nhưng đại dịch đã thay đổi điều này, khi làm việc từ xa hạn chế đáng kể tương tác giữa đồng nghiệp - thường là mạng lưới quan hệ duy nhất mà họ tập trung vào. Từ đó, họ bị mắc kẹt trong khu dân cư mà họ ít gắn bó. Shimahara cho rằng sự thay đổi trong lối sống đang làm nhiều người dễ bị cô đơn hơn.
Mai Dung (Theo Japan Times)