Đến năm 2060, ước tính 40% dân số Nhật Bản ở độ tuổi từ 60 trở lên. Nếu điều đó thật sự xảy ra, những chiếc bánh sinh nhật với 118 cây nến sẽ không còn hiếm, nhưng đám con cháu tụ tập để thổi nến bên các cụ thì chẳng còn mấy.
Bà Tanaka Kane là một trong những người thọ nhất thế giới. Ngày 2/1, bà trở thành người thứ ba bước sang tuổi 118, theo Nhóm Nghiên cứu Lão khoa. Bà là người Nhật Bản đầu tiên sống tới độ tuổi này, nhưng chưa chắc sẽ là người duy nhất. Nhật vốn nổi tiếng vì tuổi thọ cao nhất thế giới, với 80.000 cụ già trăm tuổi.
Trong khi đó, số trẻ chào đời năm 2020 ở Nhật xuống thấp ở mức kỷ lục, xấp xỉ 800.000, sớm hơn 10 năm so với dự đoán, do ảnh hưởng của đại dịch. Dựa trên số ca mang thai được báo cáo và các dữ liệu khác, Takumi Fujinami thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản ước tính số ca sinh năm 2021 chỉ còn 792.000, bằng 1/3 mức thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau chiến tranh.
Tuy vậy, tuổi thọ đáng nể của người Nhật vẫn khiến cả thế giới ngưỡng mộ và học hỏi bí quyết. Trong đó, thực tế cho thấy chế độ ăn uống là bí quyết sống lâu của người dân nước này.
Người Nhật không kéo dài tuổi thọ bằng cách nói "không" với ẩm thực phương Tây. Trên thực tế, các nghiên cứu gần đây cho rằng bí quyết để sống lâu có thể là do chế độ ăn của người Nhật Bản đã thay đổi theo phương Tây.
Điều khiến bà Tanaka khác biệt với những người đồng hương của mình là niềm yêu thích dành cho chocolate và đồ uống có ga. Nhật từ lâu là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ đường thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhật Bản không phải lúc nào cũng là nhà vô địch về tuổi thọ. Năm 1970, tỷ lệ tử vong điều chỉnh theo tuổi của Nhật ở mức trung bình của OECD. Tỷ lệ mắc ung thư và bệnh tim tương đối thấp, Nhật lại có số ca tử vong do tai biến mạch máu não cao nhất trong OECD.
Những năm 1970 đến thập niên 90, tỷ lệ người chết do bệnh này của Nhật Bản đã giảm xuống mức trung bình của OECD. Cùng với số người mắc bệnh tim và đột quỵ giảm, Nhật đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng về tuổi thọ.
Nhật Bản đã kiểm soát bệnh tai biến mạch máu não như thế nào? Theo bác sĩ Thomas Truelsen từ Đại học Copenhagen, thành tựu của Nhật Bản phản ánh tiến bộ trong phương pháp điều trị và giảm huyết áp. Một nguyên nhân khác, có thể do chế độ ăn.
Nhật Bản từng cấm ăn thịt trong 1.200 năm, hiện nay vẫn tiêu thụ tương đối ít thịt và sữa. Ăn quá nhiều thịt có thể gây hại vì chúng chứa axit béo bão hòa, có liên quan đến bệnh tim. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người ăn nhiều thịt đỏ đã qua chế biến có nguy cơ đột quỵ cao hơn.
Mặt khác, ăn quá ít thịt cũng không tốt vì thịt cung cấp cholesterol cần thiết cho thành mạch máu. Trong một nghiên cứu trên 48.000 người Anh, những người ăn chay có khả năng cao chống lại bệnh tim nhưng dễ bị đột quỵ.
Tình trạng khan hiếm thực phẩm từ động vật có thể góp phần gây ra tỷ lệ tử vong cao do tai biến mạch máu não trong lịch sử Nhật Bản. Từ năm 1960 đến 2013, khi số người chết vì đột quỵ ở nước này giảm, lượng thịt tiêu thụ hàng năm đã tăng từ gần 0 lên 52 kg/người (bằng 45% mức của Mỹ). Chuyên gia Tsugane Shoichiro từ Trung tâm Ung thư Quốc gia Tokyo, nói rằng người Nhật cần thịt và sữa để giữ cho mạch máu khỏe mạnh, song không ăn quá nhiều dẫn đến tắc mạch máu.
Một số nghiên cứu từ những năm 1990 cho thấy rằng các vùng của Nhật Bản - nơi chế độ ăn thay đổi nhiều nhất cũng có tỷ lệ tử vong do tai biến giảm nhiều nhất. Một nghiên cứu khác, theo dõi 80.000 người Nhật Bản trong giai đoạn 1995 đến 2009, cho thấy đột quỵ phổ biến nhất ở những người ăn ít sườn và kem. Mặc dù sự sụt giảm này ở Nhật Bản hoàn toàn có thể xuất phát từ những nguyên nhân khác, nhưng những dữ liệu này cho thấy thay đổi về mặt dinh dưỡng có thể đóng một phần vai trò.
Mai Dung (Theo Economist)