Thảo luận ở tổ về tình hình phát triển kinh tế xã hội ngày 22/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đất nước đang chuyển mình thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, nộp ngân sách... Ông lấy ví dụ về nợ công hiện đã giảm còn hơn 61% GDP, từ mức 64 - 65% GDP ở cuối nhiệm kỳ Quốc hội khoá 13. Quy mô nền kinh tế từ chỗ đứng thứ 48 thế giới, hiện lên vị trí 40, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc thời gian qua, từ trung bình lên tích cực.
"Việt Nam là nước ở xa nhóm các nước G20, nhưng vừa qua đã được mời dự vào cuộc họp của nhóm G7 là một thắng lợi", Thủ tướng nói.
Cùng mạch ý kiến trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam tăng hạng, nhất là khi chúng ta đang ở giai đoạn làm nhiệm vụ kép, vừa thúc đẩy tăng trưởng vừa khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ nhiều năm trước, như nợ xấu, nợ công, các dự án yếu kém...
Nhận xét về báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, ông Huệ nói, việc đưa ra đánh giá tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào dầu thô, than đá là chưa chính xác. "Trong mấy năm vừa qua, gần nhất là các năm 2016, 2017, công nghiệp than đá và dầu thô đều tăng trưởng âm. Như vậy, chúng ta đánh giá là tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không?", ông Huệ đặt câu hỏi.
Tiếp tục phân tích nội dung của báo cáo thẩm tra, theo Phó thủ tướng, nhận định tình trạng ngân sách trung ương hụt thu thì cần phân tích tại sao lại hụt thu, trong khi địa phương lại tăng thu.
"Phải chăng là từ khâu làm dự toán không sát, trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Tài chính và Chính phủ nhưng cơ quan thẩm tra thì có trách nhiệm không? Đương nhiên khâu dự toán này thì các uỷ ban thẩm tra và Quốc hội quyết định", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nêu. Từ đó, ông đề nghị cơ quan thẩm tra của Quốc hội có cách tiếp cận phù hợp hơn, đánh giá, nhìn nhận khách quan giúp cho nền kinh tế đi đúng hướng.
Trao đổi lại, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho biết báo cáo của Uỷ ban Kinh tế khá toàn diện, bản đầy đủ rất dày, song do yêu cầu trình bày ngắn gọn tại hội trường nên phải tóm tắt lại. "Báo cáo quá ngắn gọn, không thể trình bày đủ, vì vậy tôi xin lấy làm tiếc và cũng xin lỗi Chính phủ về việc này", ông Dương Quốc Anh nói.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh lấy các ví dụ như tỷ lệ xuất siêu đang phụ thuộc khá lớn vào Samsung; thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm quyết liệt nhưng vẫn còn rườm rà; các chi phí logistics vẫn còn rất cao… Vị này đề nghị Chính phủ nỗ lực hơn để khắc phục những hạn chế nội tại, đặc biệt là các cân đối lớn và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đón nhận góp ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ lắng nghe những hạn chế, bất cập còn tồn tại mà Quốc hội nêu để khắc phục, xây dựng thể chế và hoàn thiện luật pháp.
Anh Minh