Góc khuất trong đấu giá đất, thao túng trên thị trường cổ phiếu, bất động sản... nhận được nhiều lo ngại từ các đại biểu Quốc hội, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 1/6.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biêt, không ít nhà đầu tư lợi dụng chiêu trò này để kích, thổi giá đất lên cao nhằm thao túng thị trường, làm lợi cho một nhóm thiểu số. Việc này khiến giá đất bị đẩy lên quá cao do giá ảo, khiến giấc mơ an cư của những người thu nhập thấp ngày càng xa vời.
Hệ lụy từ việc trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc, khiến giá đất bị đẩy lên cao cũng được Ủy ban Kinh tế nêu tại báo cáo rà soát quy định đấu giá quyền sử dụng đất gửi Quốc hội mới đây. Cơ quan của Quốc hội cũng cho rằng, đây là một trong số chiêu trò thổi giá đất của của doanh nghiệp, làm nảy sinh ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản.
Đại biểu này cũng phản ánh thực trạng bắt tay, quân xanh - đỏ hay có sự tham gia của xã hội đen trong các phiên đấu giá, nhằm dìm giá đất. Việc thông đồng này để lót đường cho một nhà đầu tư "đã được định sẵn" trúng với giá rẻ, thao túng, thấp hơn nhiều giá thị trường và cao hơn không đáng kể giá khởi điểm.
Chưa kể, bà cho biết còn tình trạng bắt tay ngầm rút ruột của Nhà nước khi tiết lộ thông tin, cấu kết của những người có thẩm quyền hoặc móc ngoặc trong thẩm định giá... để "quây thầu", nhằm trúng thầu với giá rẻ.
Bà Thủy dẫn chứng vụ án gần đây tại Hà Nội, khi các đối tượng bắt tay nhau để điều chỉnh giá đất rẻ hơn một nửa so với giá ban đầu, từ 500 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng.
"Những chiêu trò đẩy giá hay thông đồng dìm, đánh võng, thổi giá đất... đều là rút ruột, gây thiệt hại và hệ lụy lớn cho Nhà nước, làm lợi cho nhóm thiểu số doanh nghiệp, nhà đầu tư", bà nhận xét, và kiến nghị Chính phủ phải có giải pháp mạnh kiểm soát.
Theo ông Trần Tuấn Anh, đại biểu tỉnh Bình Phước, minh bạch trong đấu thầu là biện pháp xử lý dứt điểm "bệnh" này. Hiện còn quá nhiều chiêu thức để chủ đầu tư gây khó khăn cho nhà thầu chân chính, tạo điều kiện cho các nhà thầu "sân sau, quen biết".
Thao túng giá trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng khiến nhiều đại biểu quan ngại. Nhắc tới các vụ việc của FLC, Tân Hoàng Minh vừa qua, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh, đại biểu đoàn Đồng Nai nhận xét, "thị trường vốn rất mong manh, dễ bị thao túng trước những tác động, can thiệp".
Trong khi đó, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nêu, hai năm dịch Covid-19, dòng tiền đã tìm tới các kênh đầu cơ vào nhóm tài sản rủi ro, không được khuyến khích, khiến thị trường chứng khoán, bất động sản rơi vào trạng thái bị "thổi phồng", rồi "co xẹp lại và rơi vào trầm lắng một cách bất thường" khi các vụ việc vi phạm bị cơ quan quản lý xử lý.
Theo ông, dòng tiền rẻ từ ngân hàng bơm ra một phần đáng kể đã tràn vào thị trường chứng khoán, bất động sản và nhiều thị trường tài sản khác, khi mà khu vực kinh tế thực lúc đó đang bị co hẹp. Hệ lụy dễ thấy là toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tổng thể nền kinh tế đã bị bóp méo và đang gia tăng tích tụ rủi ro.
"Đòn bẩy tài chính mà các nhà đầu tư sử dụng vốn ngân hàng hoạt động thế nào? Nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro này đang bao nhiêu và sẽ còn gia tăng sao?", ông đặt câu hỏi hướng về phía Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Góp ý, ông Trịnh Xuân An nói, cần xử lý nghiêm hành vi thao túng giá, làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin. Nhà chức trách cũng cần rà soát pháp lý để thị trường vốn tránh "lúc quá mở, lúc bóp nghẹt", ảnh hưởng tới các kênh dẫn vốn nền kinh tế.
"Xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm tới đâu thì xử lý tới đó, tránh xảy ra hiệu ứng domino trên thị trường", ông nêu.
Ông Phan Thái Bình, đại biểu tỉnh Quảng Nam quan ngại về thất thu thuế khi tình trạng "bán nhà hai giá" vẫn phổ biến.
Bán nhà hai giá, tức là giá thực tế cao hơn nhiều giá kê khai trong hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. Việc này khiến ngân sách thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, nhưng các hướng dẫn vừa qua của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế "chung chung, không giải quyết tận gốc vấn đề, mà còn phát sinh nhiều hệ lụy".
Hiện theo quy định, việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất ghi theo giá trong hợp đồng. Trường hợp hợp đồng không ghi giá, hoặc thấp hơn giá đất Nhà nước thì giá tính thuế tính theo khung nhà nước.
Theo ông Bình, bản chất đây là thỏa thuận dân sự của người mua và bán và nguồn gốc thất thu thuế là do kê khai không trung thực của một bộ phận người dân khi tham gia giao dịch. Ngoài ra, bảng giá đất các địa phương hiện nay không sát với thị trường, còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế.
Nhưng các cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hay không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế. Do vậy, khi áp dụng biện pháp để chống thất thu, các địa phương không thống nhất, mỗi nơi lại áp dụng một kiểu.
"Nhiều nơi yêu cầu người dân chấp nhận giá trị tính thuế cao hơn gấp 1,5-2 lần giá Nhà nước quy định mới được giải quyết hồ sơ. Trường hợp thấp hơn mức trên thì bị ngâm hồ sơ hoặc mời lên làm việc nhiều lần, trả hồ sơ với lý do chưa sát thị trường", đại biểu tỉnh Quảng Nam nêu.
Trước thực tế này, ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế, đất, nêu rõ nguyên tắc xác định giá tính thuế theo giá thị trường. Cơ quan thuế sớm hướng dẫn chi tiết các biện pháp chống thất thu thuế trong kinh doanh chuyển nhượng kinh doanh bất động sản, để ngành thuế địa phương thực hiện thống nhất, tránh lạm quyền nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp, giúp lành mạnh hóa thị trường bất động sản.