Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội và ngân sách sáng nay, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu những bất cập về thị trường bảo hiểm. Trong đó, bà đề cập bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mà khách hàng bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay hoặc bị lừa từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm.
"Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.
Với các công ty bảo hiểm, bà cho rằng, họ cần rà soát lại các khâu thiết kế hợp đồng, tư vấn, ký hợp đồng và giải quyết khiếu nại khách hàng.
Kiến nghị của đại biểu Quốc hội nêu trong bối cảnh nhiều vụ việc phản ánh, kiện của người mua bảo hiểm nhân thọ và các công ty bán sản phẩm này vừa qua khiến người mua bất an.
Bà phân tích, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dày cả trăm trang với điều khoản, mà sự thua thiệt chủ yếu nằm ở phía người mua nếu gặp phải tư vấn viên không có tâm.
"Ngay chuyên gia tài chính, pháp luật cũng gặp khó khăn khi tiếp cận hợp đồng bảo hiểm. Nhiều chuyên gia cho biết chỉ hiểu 70% nội dung hợp đồng. Có đọc kỹ tới mấy cũng không hiểu nổi độ linh hoạt của nội dung hợp đồng bảo hiểm", bà Thủy cho biết.
Ngoài ra, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường dưới dạng liên kết đầu tư, tức một phần tiền của khách hàng được các hãng dùng để đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu nên càng phức tạp.
Trong khi đó, đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm - khâu mấu chốt dẫn tới những tranh chấp, kiện cáo vừa qua - không ít người tư vấn mập mờ, sai lệch sản phẩm để nhanh chóng "chốt đơn", ký hợp đồng và hưởng hoa hồng.
Theo quy định của Bộ Tài chính, tỷ lệ hoa hồng tối đa cho các tư vấn viên là 40% giá trị hợp đồng trong năm đầu tiên. Và hiện tỷ lệ này tại các công ty bảo hiểm là 30-40%. Chẳng hạn, hợp đồng bảo hiểm 100 triệu đồng, tư vấn viên sẽ được hưởng 30-40 triệu đồng trong năm đầu.
Vì thế, để đạt được doanh số, không ít tư vấn viên đã tư vấn sai lệch, khiến khách hàng nhầm tưởng mình tham gia sản phẩm sinh lợi cao, được bảo vệ sức khỏe và đền bù nếu có chuyện không may xảy ra và khi kết thúc hợp đồng nhận được toàn bộ số tiền đã đóng kèm theo khoản lời.
Song theo bà, thực tế không phải vậy. Một số sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư lợi nhuận chỉ là kỳ vọng, hoàn toàn phụ thuộc thị trường. Công ty bảo hiểm mang khoản này đi đầu tư cũng không chắc chắn mang lại lời.
Hay không ít tư vấn viên chỉ nói với khách hàng về quyền lợi họ được hưởng, không chỉ rõ những điều khoản ràng buộc, bất lợi nếu thanh lý sớm hợp đồng sớm (1-2 năm đầu sau khi tham gia) sẽ có nguy cơ mất trắng số tiền đã đóng. "Đây là nguồn cơn dẫn tới bức xúc vừa qua do thiếu minh bạch trong tư vấn", bà nhận xét.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 có 3.100 đại lý bảo hiểm sai phạm, trong đó có lỗi cố tình tư vấn sai hợp đồng bảo hiểm. "Tư vấn viên chưa đủ tâm, tầm mà đẩy hết trách nhiệm về người mua là không hợp lý, không hợp tình. Các công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng?", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt vấn đề.
Chia sẻ mới đây về thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chú trọng doanh thu, lơ là chất lượng khiến ngành này tăng trưởng nhanh về lượng, chưa tương xứng về chất. "Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trên thực tế chỉ chú trọng đào tạo đại lý theo hướng làm sao bán được sản phẩm. Có nghĩa, họ đào tạo thiên lệch về kỹ năng bán hàng hơn kiến thức kinh tế nền, chuyên môn bảo hiểm, cũng như đạo đức nghề nghiệp", Bộ trưởng đánh giá.
Ông cũng nói, thị trường cần thay đổi một cách mạnh mẽ. Bộ trưởng cho biết nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm, bao gồm cả bancassurance đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng được ban hành sớm để tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Theo thống kê, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam là 11% dân số, trong khi Philippines là 38%, Malaysia là 50%, Mỹ 90%. Bà Thủy cho rằng, các công ty bảo hiểm cần để khách hàng tâm phục khẩu phục.
"Tham gia bảo hiểm cần sự trung thực, minh bạch ở cả hai phía thì mới mang lại lợi ích. Chỉ khi minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ", bà Nguyễn Thị Thủy chốt lại.