Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Nhiều đại biểu lo ngại nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo tại Việt Nam và thực tế nhiều người tham gia vào các hoạt động của các sàn tiền ảo để lại nhiều hệ luỵ nhưng các giao dịch này lại chưa được công nhận về pháp lý.
Nêu ý kiến thảo luận, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin, cơ quan này đang điều tra vụ án (số tiền vụ án ước tính hàng nghìn tỷ đồng) với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền. Chủ mưu cầm đầu, tổ chức các hoạt động phạm tội là người nước ngoài và thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam. Trụ sở, địa điểm, công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội đều ở nước ngoài.
Ông Trung cho biết, phương thức, thủ đoạn của đường dây này rất tinh vi. "Sau khi nhận được tiền của người bị hại, chúng chia nhỏ gửi qua rất nhiều lần, nhiều tài khoản, sau đó chụm về một tài khoản. Từ tài khoản đó quy đổi thành tiền ảo và đổi lại tiền mặt", ông nói.
Nêu câu chuyện thực tế này, trung tướng Nguyễn Hải Trung đánh giá, hiện tiền ảo, tiền số chưa được công nhận về pháp lý nhưng "thực tế đang có thị trường ngầm và phần lớn tội phạm lừa đảo đều thông qua tiền ảo để rửa tiền".
Bà Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cũng cho rằng, tuy pháp luật chưa công nhận các loại tiền này nhưng thực tế nhiều người tham gia vào hoạt động các sàn tiền ảo và hậu quả là không ít người bị mất tiền. "Xét ở khía cạnh nào đó đang tồn tại thị trường giao dịch bằng tiền ảo, và kinh tế sẽ có tiền thật, tài sản thật của người dân bị thiệt hại mà không có cách nào kiểm soát", bà nói.
Trước thực tế đáng ngại, ông Nguyễn Hải Trung đề nghị, dự luật Phòng chống rửa tiền cần quy định để cấm, quản, xử lý giao dịch tiền ảo. Cùng đó, ông Trung cho rằng cũng cần sớm có cơ chế "nhanh, sớm hơn" để trì hoãn giao dịch phong tỏa tài khoản với các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội.
"Các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo qua mạng trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất lấy được tiền của bị hại. Nếu chờ bắt, tạm giữ được đối tượng đã quá muộn, gây khó khăn cho điều tra, thu hồi tài sản cho người bị hại", ông lập luận.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xây dựng hệ thống cơ sở quản trị, đánh giá mức độ cảnh báo có dấu hiệu liên quan tới hành vi rửa tiền qua mức độ giao dịch hoặc các giao dịch liên quan tới tiền ảo.
Còn đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ hình thức chuyển đổi, thoả thuận trao đổi tiền qua công cụ mã hoá trên mạng (tiền ảo, tiền số...) nhằm phòng chống rửa tiền và các tội phạm có liên quan.
Trước đó, thảo luận ở tổ ngày 24/10, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung điều khoản quy định về tịch thu các tài sản ảo, tiền ảo theo chuẩn mực quốc tế. Họ cũng đề nghị bổ sung hành vi rửa tiền qua tiền ảo, tiền điện tử, tài sản ảo là một tội danh, chứ không phải tình tiết tăng nặng như quy định Bộ luật Hình sự 2015. Việc này để có thêm tính răn đe, ngăn ngừa và xử lý hành vi rửa tiền bất hợp pháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thảo luận ở tổ cũng nói "thấy sốt ruột" trước thực tế tiền ảo vẫn được sử dụng, giao dịch dù không được pháp luật công nhận. Ông cho rằng, cần nghiên cứu chế tài phù hợp, và nên giao Chính phủ quy định chi tiết.
Giải trình vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng nhà nước - cơ quan soạn thảo - nói sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, thảo luận của các đại biểu Quốc hội. Bà thông tin, việc sửa luật lần này nhằm đáp ứng khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính và đánh giá của Nhóm đánh giá châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền.
Quá trình soạn thảo, cơ quan này đã đề xuất bổ sung tổ chức cung cấp dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và cho vay trên nền tảng công nghệ... vào đối tượng báo cáo rửa tiền.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa công nhận tài sản ảo, tiền ảo, nên sau khi rà soát tính khả thi, sẽ chưa luật hóa. Thay vào đó, dự luật điều chỉnh lại theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền (gồm tiền ảo, tài sản ảo, đấu giá tài sản, vật có giá trị lớn...), sau khi được sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng tại thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định liên quan tới kiểm soát khách hàng giao dịch không qua ngân hàng, bởi thực tế nhiều giao dịch dùng tiền mặt để trao đổi để tránh bị thu thuế (giao dịch mua nhà, mua bất động sản...).
Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước giải thích, kiểm soát thanh toán không dùng tiền mặt không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng chống rửa tiền. Thay vào đó các giao dịch này được rà soát, quy định tại các luật chuyên ngành, như Luật Kinh doanh bất động sản...
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua dự luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) vào cuối kỳ họp thứ 4.