Sáng nay, thảo luận về Bộ Luật hình sự (sửa đổi), đại biểu Đỗ Ngọc Niễn không đồng tình với đề xuất tại khoản 3 điều 39 về việc “không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình, người bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả , hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".
Ông Niễn đánh giá đây là quy định "không công bằng". Nó sẽ tạo kẽ hở để tội tham nhũng lợi dụng; nảy sinh việc dùng tiền để đổi mạng và khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng.
Theo ông Niễn, tham nhũng là quốc nạn, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Để ngăn chặn đáng lẽ luật phải quy định hình phạt nghiêm khắc hơn thì "lại làm ngược lại".
“Chúng ta có thể cần rất nhiều tiền, cần thu hồi đầy đủ tài sản của những vụ án tham nhũng. Nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất lòng tin của nhân dân, làm thay đổi cán cân lý. Áp dụng điều luật này khác gì bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng, làm như vậy thì xã hội tất sẽ loạn", ông nói và tin rằng nhân dân "chắc chắn sẽ không tha cho chúng ta nếu đạo luật được thông qua”.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Khá cho hay nếu "được nộp tiền để mua mạng sống thì pháp luật sẽ mất công bằng. Ngân sách nhà nước rất cần tiền nhưng không vì thế mà cần bất chấp mọi nguy hại”, bà Khá nói.
Trong nhóm 7 tội danh được đề xuất bỏ hình phạt tử hình, Phó trưởng Ban nội chính trung ương, ông Nguyễn Doãn Khánh đề nghị giữ lại các tội Tham ô, Nhận hối lộ vì cho rằng đây là hành vi tham nhũng nghiêm trọng nhất.
Đại biểu Khánh cũng đề xuất không bỏ tội Cố ý làm trái về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ông, tham nhũng là dạng tội phạm ẩn, trong nhiều trường hợp vì nhiều lý do chúng ta không làm rõ được tính vụ lợi thì sẽ xử lý theo tội Cố ý làm trái. “Nếu bỏ tội này sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội tham nhũng”, đại biểu Khánh kiến nghị.
Ở góc nhìn khác, trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Chánh tòa Quân sự trung ương cho hay, từ trước đến nay mọi người tư duy theo hướng "để chống tội phạm là cứ tăng hình phạt". Nhưng ông chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều này.
"Với tội tham nhũng, nhiều người cho rằng cần phải tử hình. Nhưng trên thực tế những người bị tử hình vì phạm tội tham những rất ít", ông nói. Từ thực tế trên, đại biểu Độ cho rằng, điều quan trọng là tính nghiêm minh của pháp luật phải phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Trần Du Lịch, Nguyễn Bá Thuyền cùng cho rằng đây là bộ luật rất quan trọng, phức tạp, do đó đề nghị Thường vụ Quốc hội sau kỳ họp tổ chức các cuộc họp đại biểu chuyên trách để mổ xẻ, phân tích kỹ.
Võ Hải