Trong các hội thảo, hội nghị góp ý dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), hầu hết ý kiến đều đồng tình không bỏ án tử hình với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhằm răn đe và trừng trị nạn tham nhũng. Tuy nhiên, nguyên Phó chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, thành viên Hội đồng Thẩm định các dự án luật của Chính phủ, lại có quan điểm khác hẳn.
- Theo ông, vì sao nên bỏ án tử hình trong các tội này?
- Quan điểm của tôi là nên bãi bỏ án tử hình đối với những tội danh này. Chỉ áp dụng án tử hình với tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội giết người, tội cướp tài sản, tội sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy nhằm giữ tính chất răn đe.
Ông Trần Văn Độ nói tội tham ô, nhận hối lộ là các tội tham nhũng mang tính kinh tế. Hiện hầu hết các nước đã bỏ án tử hình đối với những tội danh này. Ở Trung Quốc cũng có tuyên án tử hình với hành vi tham nhũng nhưng là tử hình treo, tức hoãn thi hành, sau hai năm chuyển sang tù chung thân. Chỉ có Việt Nam là còn áp dụng án tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ và hiện nay vẫn đang muốn giữ lại án tử hình trong dự thảo BLHS (sửa đổi). |
Đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng cần phải nghiêm minh, tức đã phạm tội thì phải xử phạt; chứ người phạm tội nhiều nhưng chỉ phát hiện, xử lý một số ít thì dù hình phạt nghiêm khắc như thế nào, kể cả tử hình cũng sẽ có tác dụng phòng ngừa không cao. 100 người tham nhũng thì phải xử lý, phạt tù cả 100, đồng thời có biện pháp thu hồi lại tài sản tham nhũng thì sẽ hiệu quả hơn, nhân đạo hơn là chỉ phát hiện một ít người rồi phạt tử hình, còn tài sản tham nhũng thì không thu hồi được.
Vấn đề quan trọng nhất đối với án tham nhũng là thu hồi tài sản. Ở Nga thậm chí còn áp dụng nguyên tắc nếu người vi phạm khắc phục hậu quả trước khi vụ án được khởi tố thì có thể không bị khởi tố. Nếu sau khi khởi tố mà hoàn trả tài sản tham nhũng thì được giảm nhẹ đặc biệt…
- Nếu ta bỏ án tử hình đối với các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ thì tình hình tham nhũng có thể sẽ nghiêm trọng hơn, ông nghĩ thế nào?
- Quan điểm của tôi vẫn là tử hình không giải quyết được vấn đề gì cả ngoài việc giải tỏa bức xúc của xã hội, trong khi những vấn đề nền tảng khác để giải quyết tham nhũng lại không được chú trọng. Phải có các chính sách kinh tế - xã hội tạo công ăn việc làm, giáo dục con người, nhà trường phải dạy đạo đức, lối sống… Đó mới là những vấn đề chính yếu để thiết lập một xã hội lành mạnh, không có tham nhũng.
Còn việc xử lý đối với tham nhũng chắc chắn là phải có nhưng không nên coi tử hình đối với tham nhũng là phương cách chống tham nhũng duy nhất. Đã có một thời cứ tội giết người là bị xử sơ chung thẩm để tử hình nhằm răn đe. Nhưng điều đó không có tác dụng, không tạo cho người lỗi lầm quay lại với cuộc sống, quay lại với con người lương thiện vốn có của mình.
- Nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ nên phải mạnh tay với tham nhũng, phải diệt tham nhũng như diệt giặc nội xâm, thưa ông?
- Diệt như thế nào đây? Cách diệt hữu hiệu nhất vẫn là không để cho tham nhũng xảy ra, tức là phải phòng ngừa. Phòng ngừa bằng kinh tế - xã hội, bằng văn hóa giáo dục, bằng tuyên truyền, bằng pháp luật. Pháp luật phải là biện pháp phòng ngừa cuối cùng. Chúng ta phải xem xét gốc của vấn đề tham nhũng nằm ở đâu. Phải chăng ở quan hệ kinh tế? Chính sách giáo dục, đào tạo? Chính sách an sinh xã hội? Từ xưa tới nay chúng ta cứ quan niệm xử lý thật nặng là sẽ giải quyết được vấn đề tội phạm. Đối với Việt Nam hiện nay, về vấn đề tham nhũng phải xử lý thật nghiêm minh. Bao nhiêu người tham nhũng, bao nhiêu vụ tham nhũng đều phải xử lý theo pháp luật. Thế nhưng thực tế không có nhiều vụ tham nhũng bị đưa ra xét xử, thậm chí có những trường hợp tham nhũng lớn nhưng chỉ phải chịu… cảnh cáo.
Chính Nghị quyết 49 cũng yêu cầu hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, chú trọng phạt tiền; đối với án tham nhũng cần chú trọng thu hồi tài sản. Tất nhiên, các biện pháp trừng trị tham nhũng vẫn cần phải có nhưng đồng thời với các biện pháp đó, cần tiến hành song song việc thu hồi tài sản và mở đường, tạo điều kiện để người phạm tội hối cải, trở về thành người tốt.
Người bị kết án có thể nghĩ “đã tử hình thì thôi, chẳng cần nộp đồng nào nữa” cho xong. Nếu thu hồi được 1/2 hoặc 2/3 số tài sản tham nhũng về cho nhân dân, cho Nhà nước và để cho người ta xuống tù chung thân thì rõ ràng điều đó có lợi hơn là tử hình người tham nhũng mà chẳng thu hồi được gì, đồng thời thể hiện chính sách nhân đạo của nhà nước ta. Chúng ta chỉ nên tử hình những người không còn có thể cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội. Hình phạt tử hình ta đang áp dụng nhiều khi chỉ để thỏa mãn sự bực tức, sự bức xúc của dư luận, không thể hiện được tính nhân đạo của xã hội. Khi một người bị tử hình thì hậu quả xã hội do tử hình mang lại cho cá nhân, gia đình, dòng tộc… là rất lớn. Do đó chỉ cần người tham nhũng hoàn trả một nửa số tài sản tham nhũng thì có thể giảm án từ tử hình xuống tù chung thân được rồi. |
Theo Pháp luật TP HCM