Phiên thảo luận tại tổ của các đoàn đại biểu Quốc hội chiều 26/5 có nhiều ý kiến xung quanh đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi): cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đồng tình với đề xuất của ban soạn thảo, Viện trưởng Viện lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho hay, việc thu thu hẹp án tử hình phù hợp với thế giới. Tuy nhiên, ông Thảo cho rằng cần cân nhắc bỏ hình phạt tử hình với các tội cướp tài sản, phá huỷ công trình quan trọng quốc gia.
Cùng quan điểm chưa nên bỏ khung hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản, ông Lê Đông Phong, Phó Giám đốc công an TP HCM cho rằng, tội này rất nguy hiểm, cần phải có biện pháp ngăn chặn, răn đe. Ngoài ra, lãnh đạo công an TP HCM đề nghị không bỏ án tử hình với tội vận chuyển trái phép ma túy. “Trong tình hình thực tế hiện nay, không nên bỏ nhưng cần quy định số lượng vận chuyển cao lên để áp dụng khung hình phạt này. Người chủ mưu trong vận chuyển, gắn với mua bán thì sẽ khác với việc người nghèo vận chuyển thuê. Cách này vẫn có thể giảm án tử hình mà ko cần phải thu hẹp khung hình phạt này”, ông Phong nêu quan điểm.
Phó giám đốc công an TP HCM cũng đề nghị giữ nguyên tội tuyên truyền chống nhà nước, đe dọa trực tiếp đến ổn định chính trị. Đại biểu Phong nói: “Tội này cho dù có ý kiến trái chiều, thậm chí các thế lực thù địch nói rằng điều này trong luật vi phạm nhân quyền nhưng tôi không nghĩ thế. Nhân quyền cao nhất là giữ ổn định xã hội, chế độ mà nhân dân được ấm no hạnh phúc chứ không phải vì một vài cá nhân nào đó mà chấp nhận việc làm tùy tiện gây rối loạn xã hội”.
Đồng ý chủ trương giảm án tử hình, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho biết việc thu hẹp án tử hình vừa đỡ tốn kém vừa đỡ vất vả cho cơ quan tư pháp đồng thời đảm bảo tính nhân đạo. Tuy nhiên, Thứ trưởng Hiếu đề nghị cân nhắc bỏ án tử hình đối với một số tội như cướp tài sản rất nghiêm trọng, nguy hiểm hay như tội phá hoại công trình quan trọng gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vận chuyển ma túy với số lượng lớn cũng xem xét có nên bỏ án tử hình hay không.
Thống nhất với đề xuất của ban soạn thảo, nhưng Phó Chủ nhiệm ủy ban pháp luật Lê Minh Thông bày tỏ băn khoăn việc bỏ án tử hình với tội phạm chiến tranh. Đại biểu Thông cho rằng, trong bối cảnh tình hình xã hội phức tạp như hiện nay, nếu bỏ án tử hình tội danh này thì không yên tâm. Về đề xuất bỏ án tử hình với tội tham nhũng, ông Lê Minh Thông không đồng tình. Tuy nhiên, ông Thông cho rằng nếu người bị tội danh tham nhũng tự nguyện bồi hoàn khắc phục hậu quả và hợp tác tích cực, hiệu quả thì có thể chuyển từ án tử hình sang chung thân.
Đề nghị không bỏ án tử hình với tội danh tham nhũng như có ý kiến đã đề xuất, Giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết cần để án tử hình với tội danh trên để có tính răn đe. “Người nghèo buộc đi buôn ma tuý thì bị tử hình. Còn người có chức vụ, kiến thức mà tham ô tham nhũng mà lại không tử hình là không công bằng”, tướng Chung bày tỏ.
Phó Chủ nhiệm ủy ban tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, không bỏ án tử hình bằng mọi giá để phúc đáp yêu cầu của thế giới. Theo đại biểu Quyền, ngay cả một nước phát triển như Mỹ cũng không bỏ hết án tử hình. “Quan điểm chung là phải rà soát lại”, ông Quyền nói.
Võ Hải