Sáng nay (13/11), với 87,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, tỉnh này được thí điểm một số chính sách quản lý tài chính, ngân sách, như được ngân sách bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu; được vay không quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất;...
Ngoài ra, tỉnh còn được thí điểm về cơ chế thu phí tham quan và lập quỹ bảo tồn di tích.
Trong đó, phí tham quan di tích được nộp vào ngân sách nhà nước, địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu để đầu tư trùng tu di tích. Quốc hội cũng đồng ý cho tỉnh thành lập quỹ bảo tồn di sản để bổ sung nguồn lực trùng tu, bảo tồn di sản. Đây là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh trực tiếp quản lý.
Trước đó, một số đại biểu chưa đồng ý việc thành lập Quỹ bảo tồn. Giải thích về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết Thừa Thiên Huế là địa phương có di tích lịch sử quốc gia, có di sản văn hóa thế giới, song nhiều cơ sở xuống cấp nghiêm trọng, thiếu nguồn lực trùng tu, rất cần huy động nguồn lực toàn xã hội để gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử.
"Hiện có nhiều tổ chức, cá nhân và một số địa phương mong muốn được chung tay bảo tồn một số di tích. Việc lập Quỹ nhằm bảo đảm minh bạch, tập trung trong tiếp nhận tài trợ cho bảo tồn các di sản. Do vậy, Ủy ban Thường vụ xin giữ như dự thảo Nghị quyết và đề nghị Chính phủ tổng kết thí điểm, báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2026", ông Cường nói.
Với ý kiến đề nghị không nên cho phép HĐND ban hành phí, lệ phí chưa có trong danh mục, khoản thu từ phí tham quan, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc trao quyền là cần thiết. Điều này để đảm bảo linh hoạt, kịp thời, bao quát hết nguồn thu phát sinh trên địa bàn.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc điều chỉnh và ban hành mới phải có lộ trình phù hợp với thực tế, không tạo gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch.
Về lý do lựa chọn địa phương, ông nói, các tỉnh, thành vừa được thông qua cơ chế riêng là các địa phương có đặc thù về địa lý, dân số, lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển kinh tế. "Việc này giúp các địa phương đóng góp nhiều hơn ngân sách và là đầu tàu lôi kéo các tỉnh xung quanh", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận xét.
Cơ chế đặc thù đang được áp dụng đối với TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội. Qua sơ kết đánh giá, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề phát triển kinh tế, xã hội, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo tác động lan tỏa vùng miền.
Nghị quyết Đại hội XIII cũng nêu rõ, sẽ ưu tiên cho liên kết và phát triển vùng, ưu tiên tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm. Nghị quyết thí điểm các cơ chế đặc thù cho các địa phương của Quốc hội là thể chế hóa chủ trương này, tạo điều kiện để bứt phá nhanh, nhất là tỉnh thuộc trung tâm của các vùng.
Minh Sơn