"...She’s crazy like a fool
What about it Daddy Cool
She’s crazy like a fool
What about it Daddy Cool
I’m crazy like a fool
What about it Daddy Cool
Daddy, Daddy Cool
Daddy, Daddy Cool..."
Chỉ với những câu hát ngắn gọn và đơn giản, Daddy Cool – bài hát của nhóm nhạc đến từ nước Đức, Boney M – đã khuynh đảo suốt thập niên 1970, 1980. Ra đời từ năm 1976, Daddy Cool mang tiết tấu vui nhộn, rộn ràng đặc trưng cho âm nhạc châu Âu thập niên 1970. Bài hát này chinh phục người nghe ngay từ những giai điệu đầu tiên. Lời ca khá đơn giản với câu hát lặp đi lặp lại "Daddy... Daddy cool" nhưng giọng hát của Boney M mang đến một ngọn lửa hưng phấn, buộc bất kỳ ai khi nghe cũng muốn nhún nhảy theo.
Tại Việt Nam, Daddy Cool và nhóm nhạc Boney M xuất hiện trong đúng thời kỳ bao cấp – giai đoạn khó khăn của đất nước với bao thiếu thốn về vật chất. Tuy nhiên, đời sống tinh thần khi ấy của người dân lại không nghèo nàn chút nào với sự xuất hiện của chiếc đài cassette Liên Xô (cũ), chiếc đầu video VHS V8 và những giai điệu Disco châu Âu. Chẳng cần biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi, khán giả đại chúng vẫn có thể thưởng thức và thuộc lòng những giai điệu âm nhạc của Boney M.
Các phương tiện nghe nhìn cũng như truyền thông của thời kỳ bao cấp không được phát triển như ngày nay. Để có thể nghe nhạc, cách duy nhất là nghe băng cassette. Những cuốn băng của thời kỳ ấy, trong đó có cuốn Boney M.79 được nhiều gia đình coi như một "báu vật", cất giữ và nâng niu cẩn thận.
Ở thành thị, những ngày đầu năm mới, khi đường phố còn thưa người, tiếng pháo luôn mở màn cho khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Khi xác pháo hồng rực trên thềm nhà, tiếng nhạc Daddy Cool bắt đầu vang lên từ chiếc đài cassette cũ hiệu Sharp. Từ những câu hát đầu tiên, không gian trở nên rộn ràng, vui tươi. Người lớn bắt đầu rót những ly champagne của Liên Xô (cũ) và nâng ly chúc mừng nhau. Trẻ con thì vừa nhón tay lấy những viên kẹo ngọt trên khay mứt ngày Tết và bắt đầu nhún nhảy, lắc hông theo từng giai điệu của bài hát.
Cũng thời gian đó, ở các vùng thôn quê, có những thôn được xã cấp điện hai giờ mỗi ngày, hai ngày mỗi tuần và thường vào buổi tối. Trong những dịp đặc biệt như lễ Tết, khi được đóng điện thì cả làng bật đèn, nguồn yếu nên chỉ 30 phút là sụt nguồn. Khi nhà nào có đài cassette và bắt đầu mở Daddy Cool, lũ trẻ con háo hức, nô nức ra đầu ngõ, dỏng tai lên nghe ké tiếng nhạc phát ra từ xa.
Với những tụ điểm ăn chơi ở đô thị sầm uất, Daddy Cool lại trở thành một "huyền thoại vũ trường". Dưới ánh đèn xanh, đỏ nhấp nháy, bao thanh niên sành điệu ngày ấy trong mốt áo thun bó, quần loe kiểu Bobby (thành viên nam duy nhất nhóm) nhún nhảy cuồng nhiệt.
Daddy Cool còn đặc biệt ở chỗ lời bài hát được đọc chệch đi thành "Chaly cúc cu". Chaly được coi là dòng xe máy "nữ hoàng" của thời bao cấp. Khi văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập, hình ảnh những cô gái trẻ diện cả "cây" denim, làm tóc xoăn xù mì, đeo kính râm và cưỡi trên những chiếc xe Chaly luôn mang một vẻ gì đó quyến rũ, mê hoặc đàn ông. Nhiều người không biết tiếng Anh khi ấy đã đọc tên bài hát thành "Chaly cúc cu" cho dễ nhớ.
Trải qua một thời gian dài, khi đài cassette phát triển lên thành đĩa CD, rồi sau đó là kỹ thuật số hiện đại, âm nhạc của Boney M. dần trôi vào dĩ vãng nhưng vẫn ẩn chứa một sức sống âm ỉ. Đến một ngày, ở những trung tâm thương mại hiện đại vào năm 2018, khi loa phát Daddy Cool, nhiều người trong lứa 6x hay 7x đi mua sắm vẫn bất giác buột miệng hát theo câu hát quen thuộc gắn với cả một thời thanh xuân: "Chaly... Chaly cúc cu...".
Khi tới Hà Nội biểu diễn lần đầu vào năm 2016, Boney M với giọng ca chính Liz Mitchell đã khiến toàn bộ khán giả phải rời ghế, đứng dậy say sưa nhún nhảy lúc giai điệu của Daddy Cool vang lên.
Thời bao cấp luôn gợi nhớ về một giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn. Nhưng ở đó, những ký ức về tem phiếu, về chiếc xe máy Chaly, những tiệm thuê băng video, chiếc đài cassette và Boney M vẫn khiến những ai từng trải qua phải bồi hồi khi nhớ về. Thời gian trôi đi, mỗi dịp Tết đến xuân về, tiếng pháo không còn nữa nhưng giai điệu Disco huyền thoại một thời vẫn còn sức sống, đủ để mỗi lần vang lên lại đưa người nghe trở lại tháng năm kỷ niệm với "Chaly... Chaly cúc cu... Chà lỳ... Chà lỳ cu..."
Nguyên Minh