Tối 1/10, một lượng không nhỏ khán giả thủ đô đổ về Trung tâm Hội nghị Quốc gia để tìm lại ký ức với Boney M và Chris Norman - cựu thủ lĩnh nhóm nhạc Smokie.
Đêm nhạc quy tụ nhiều thế hệ, trong đó đông nhất là khán giả U40 và U50 - những người đã gắn bó tuổi trẻ trong thời kỳ hoàng kim của Boney M và Smokie. Những khán giả thuộc thế hệ 8x cũng đi tìm lại ký ức tuổi thơ trong những bài hát được nghe từ chiếc đài casette cũ kỹ ngày xưa. Một lượng nhỏ em bé được cha mẹ, ông bà dẫn theo dù chẳng biết những ca sĩ này là ai. Mỗi thế hệ đều mang một tâm thế riêng khi tới thưởng thức đêm nhạc.
Chương trình dự kiến bắt đầu lúc 20h30 nhưng trục trặc kỹ thuật nên muộn 45 phút. Trong thời gian chờ đợi, nhiều khán giả nóng lòng, không ngừng gọi tên hai nghệ sĩ ra sân khấu. Khi Chris Norman xuất hiện, ông đã phải xin lỗi khán giả vì sự cố. Thay vì biến sân khấu nửa đầu đêm nhạc thành một “chảo lửa” cùng Rock và âm thanh điện tử như mong muốn ban đầu, cựu thủ lĩnh nhóm Smokie quyết định chuyển sang phong cách Acoustic. Tuy nhiên, chính sự thay đổi này lại tạo nên điểm nhấn bất ngờ và mang lại những màn trình diễn đầy mộc mạc, cảm xúc.
Với cây guitar trên tay cùng dàn bè thân thuộc, Chris Norman dẫn dắt người nghe bước vào thế giới của mình bằng thứ âm thanh mộc mạc, chân thật và không chút màu mè. Ở tuổi 65, gương mặt của cựu thủ lĩnh Smokie hằn dấu vết thời gian nhưng khi ông cất giọng, tiếng hát trầm ấm, có chút khàn đục của ngày nào vẫn mang sức truyền cảm hứng lớn. Lần lượt những Lay Back in the Arms of Someone, Gypsy Queen, I’ll Meet You at Midnight được Chris Norman thể hiện cùng cây guitar theo phong cách Rock Acoustic, mang chút âm hưởng Country.
“Khi thấy Chris Norman xin lỗi về sự cố âm thanh, tôi khá hoang mang vì không hiểu ban nhạc sẽ trình diễn thế nào. Nhưng việc chuyển từ các âm thanh điện tử sang biểu diễn Acoustic thế này là quá bất ngờ và tuyệt vời. Chưa bao giờ tôi thấy một Chris Norman mộc mạc, gần gũi đến vậy. Có nghe thế này mới cảm nhận được rõ nhất chất giọng của ông ấy. Khó có thể tin một nghệ sĩ đã ở độ tuổi U70 mà vẫn còn giữ được phong độ trong giọng hát đến vậy”, anh Thắng Vũ - một khán giả 30 tuổi từng trải qua thời ấu thơ với âm nhạc của Smokie - cho biết.
Stumblin’ In – bài hát quen thuộc từng hát cùng nữ rocker Suzi Quatro - nay được Chris Norman biểu diễn với một giọng ca người Đức trong ban nhạc riêng của ông. Lúc những câu hát đầu tiên: “Our love is alive, and so we begin. Foolishly laying our hearts on the table, stumblin' in…” bắt đầu, cả khán phòng như vỡ òa. Có thể Smokie hay Chris Norman không có nhiều bài hát phổ biến tới đại chúng ở Việt Nam như Boney M nhưng Stumblin’ In là ca khúc mà nhiều thế hệ có thể quên tên nhưng đã nghe ít nhất một lần ở đâu đó, tương tự bài hát sau đó là Living Next Door to Alice.
Trong một giờ đồng hồ, Chris Norman khiến không chỉ nhiều khán giả thán phục bởi phong độ hát live mà còn mang tới những hoài niệm đầy bất ngờ.
Chị Vũ Ngọc Điệp, 42 tuổi, thể hiện rõ sự phấn khích khi nghe xong Stumblin’ In: “Tôi đến với đêm nhạc này vì Boney M là chủ yếu, Smokie ngày xưa tôi không nghe nhiều. Nhưng khi Stumblin’ In vang lên, tôi đã biết đây là bài hát mình nghe rất nhiều thời tuổi trẻ. Cái cảm giác khi bỗng dưng được nghe lại một ca khúc từng yêu thích nhưng không thể nhớ nổi tên thật sự rất sung sướng. Có những giai điệu có thể chẳng thuộc tên nhưng nó cứ mãi lưu trong ký ức, để khi nghe là nhớ”.
Ở phần hai của chương trình, nhóm nhạc Boney M - với giọng ca huyền thoại Liz Mitchell - biến khán phòng thành sàn nhảy Disco thập niên 1970.
Đối với nhiều thế hệ người Việt từ thập niên 1970 đến nay, âm nhạc của Boney M có sức ảnh hưởng rất lớn, trải dài từ thời đài casette, băng video VHS, đĩa CD cho tới âm nhạc kỹ thuật số hiện đại. Đến nay, ở các sự kiện như đám cưới, ra mắt sản phẩm hay tiệc chia đãi cuối năm, những Daddy Cool, Rivers of Babylon hay Ma Baker vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc khuấy động không khí, mang lại niềm vui, sự hứng khởi.
Liz Mitchell – “linh hồn” của ban nhạc Boney M. – nay đã bước sang tuổi 64 và vẫn tiếp tục cống hiến cho âm nhạc, bên ba thành viên mới. Tới Việt Nam lần này, Liz đã đưa cả êkíp gắn bó lâu năm, trong đó có những người chơi sáo, chơi trống hay kèn saxophone tóc bạc phơ đi biểu diễn cùng mình. Bước ra sân khấu trong bộ váy đen điệu đà, giày cao gót, Liz không quên trao cho người chồng đã chung sống gần 40 năm và cũng là quản lý của nhóm Boney M một nụ hôn lãng mạn ngay trước khán giả. Ở người phụ nữ này toát lên một sức sống đặc biệt – cháy bỏng, tràn đầy năng lượng như mùa hè Jamaica và sự duyên dáng cuốn hút người xem.
Tới màn biểu diễn của Boney M, toàn bộ khán giả không thể ngồi im trên ghế mà phải đứng dậy lắc lư, nhún nhảy và hát theo những giai điệu của “một thời đã xa”. Lần lượt những Sunny, Daddy Cool, Brown Girl in the Ring, Hooray! Hooray! It’s a Holi-Holiday hay Rasputin được biểu diễn và mang tới không khí hoài cổ nhưng đầy sôi động. Tuổi tác khiến Liz Mitchell khó có thể di chuyển nhanh hay thực hiện những động tác vũ đạo mạnh mẽ như thời trẻ nhưng chỉ cần thần thái, cái lắc lư nhẹ của bà cũng đã đủ truyền lửa tới khán giả có mặt trong đêm nhạc.
Rất nhiều gia đình đưa con nhỏ tới thưởng thức Boney M và dường như đây là lần hiếm hoi, những đứa trẻ được chứng kiến khoảnh khắc cha mẹ cuồng nhiệt đến vậy.
Anh Minh Anh, 39 tuổi, chia sẻ: "Tôi đã cùng con đi xem một số chương trình ca nhạc cho giới trẻ rồi, nay để cháu hiểu thêm về thứ âm nhạc mà ngày xưa bố mẹ từng say mê”. Trong lúc vợ chồng anh Minh Anh nhảy và hò reo theo từng giai điệu thân quen của Boney M, cô con gái tám tuổi dùng điện thoại ghi lại hình ảnh của bố mẹ với sự thích thú.
Ngoài những bản nhạc Disco sôi động, Liz Mitchell thể hiện một số bản Ballad dịu dàng như Somewhere in the World hay cover bài hát kinh điển Let it Be của nhóm The Beatles. Là người gốc Jamaica, sinh ra tại Anh và khởi nghiệp tại nước Đức, Liz chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa và hòa trộn chúng với nhau tạo nên phong cách âm nhạc của Boney M. Càng về cuối, giọng ca 64 tuổi cùng ban nhạc của mình lại càng biểu diễn hăng say hơn. Đáng lẽ Rivers of Babylon đã là ca khúc “chốt” nhưng vì sự cuồng nhiệt của khán giả tới phút cuối, Boney M biểu diễn thêm cả Bahama Mama theo yêu cầu của nhiều người. Tới gần nửa đêm, nhóm mới khép lại đêm nhạc bằng ca khúc Gotta Go Home, như lời chia tay sau một buổi tối được lấp đầy bởi những giai điệu xưa cũ và ký ức về thập niên 1970 - 1980.
Người xem ra về mang theo những cảm xúc, những bồi hồi khác nhau. Trẻ con hẳn rất… buồn ngủ vì đã tới giờ lên giường, trong khi người lớn vẫn còn mải mê với những câu chuyện ngày xưa. Đâu đó trên con đường về là tiếng cười của một gia đình ba thế hệ khi người bố trẻ bế cậu con trai đang ngủ gật và quay sang trò chuyện với người ông: “Con vẫn nhớ cái đài casette cũ bố mang từ Liên Xô về. Mới đó mà đã 20 năm”.
Hàng thập kỷ đã trôi qua, thị trường âm nhạc giờ đã thay đổi rất nhiều. Những đứa trẻ ngày xưa đã lớn lên, các nghệ sĩ già đi, chỉ có những giai điệu là vẫn còn đó. Boney M và Chris Norman đều là những nhân vật của quá khứ nhưng những gì đã trở thành kỷ niệm, thành dấu ấn thì mãi mãi được nhớ tới.
Nguyên Minh