Bề mặt của những miếng đậu này được bao phủ bởi một lớp lông tơ dày, trông như bị mốc do để lâu ngày. Nhưng những sợi lông trắng này không chỉ có hàm lượng dinh dưỡng cao, mà còn làm cho lớp vỏ đậu phụ càng giòn xốp, thơm ngon khi chiên.
Người An Huy đặt tên bốn loại đậu phụ lông theo màu sắc, gồm lông vũ, lông chuột, lông thỏ và lông bông gòn. Tùy khí hậu của từng mùa cùng với cách căn nhiệt độ mà mẻ đậu phụ có chất lượng, màu lông khác nhau. Lông vũ dài màu tím nhạt, lông chuột ngắn màu ngả xám, lông thỏ ngắn mảnh màu trắng, lông bông dài hơn lông thỏ một chút, màu trắng và cuộn như bông gòn.
Quá trình làm món đậu phụ lông đòi hỏi người thợ khéo léo, cần nhiều năm kinh nghiệm để thành công. Đầu tiên cần chọn lọc và rửa những hạt đậu nành. Sau đó, ngâm đậu trong nước sạch khoảng nửa ngày cho nở ra, tiếp tục cho đậu vào xay nhuyễn với tỉ lệ 2 phần nước:1 phần đậu.
Tiếp theo, người thợ lọc bỏ bã đậu và lấy phần sữa đun sôi và để nguội tự nhiên. Hỗn hợp sữa đậu sau đó được trộn cùng nước đậu để chua 3 ngày, trước khi cho vào khuôn ép. Đậu phụ sau khi thành hình được cắt thành những miếng nhỏ, bảo quản trong môi trường khoảng 20 độ C trong 5 ngày để lên men, lớp lông trắng sẽ dần xuất hiện.
Mùa thu đông là thời gian lý tưởng trong năm để thưởng thức đặc sản này vì thời tiết khô lạnh, thích hợp để ủ những mẻ đậu phụ lông ngon nhất. Rất nhiều thực khách e dè vẻ ngoài của đậu phụ lông. Chỉ cần vượt qua nỗi sợ ban đầu, họ sẽ cảm nhận được hương vị tươi ngon dễ chịu của đặc sản này.
Cách chế biến đơn giản nhất tại nhà hàng là chiên, om với hành lá, gừng, đường, muối, nước luộc thịt và nước tương, ăn kèm tương ớt để khai vị. Những quán vỉa hè sẽ bán đậu phụ lông theo vỉ, xắt nhỏ, trộn bột ớt, muối và rưới chút rượu trắng.
Hạnh Phạm (Theo China Discovery)