Đó là thành quả của sự hợp tác, kết nối giữa chính quyền và doanh nghiệp hai địa phương vừa được ghi nhận bằng các văn bản ký kết ngày 2/4 vừa qua tại Hà Nội.
Xôi phồng, một đặc sản An Giang đã có hợp đồng tiêu thụ tại Hà Nội. Trong ảnh: sản phẩm xôi phồng Kim Hương trưng bày tại một hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. |
Theo đó, các đơn vị phân phối chính của Hà Nội như Hapro, Intimex, Fivimart, Lan Chi… đã ký kết nhiều thoả thuận phân phối sản phẩm với các doanh nghiệp như Bảo vệ thực vật An Giang (gạo mầm), công ty cổ phần Việt An, công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại và dịch vụ Thuận An (cá basa), Antesco (rau củ quả đóng hộp), và cả các doanh nghiệp đặc sản như cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi, cơ sở sản xuất xôi phồng Kim Hương, công ty Trương Hải (khô cá tra phồng...
Trong tình hình khó khăn chung của nghề nuôi và xuất khẩu cá tra, các doanh nghiệp thuỷ sản ở An Giang đang dành nhiều sự quan tâm tới thị trường nội địa. Trong đó, thị trường miền Bắc có tiềm năng rất lớn khi cá tra được xem là đặc sản của đồng bằng sông Cửu Long, chưa nuôi được nhiều ở các vùng miền khác và dễ phân phối trong các hệ thống siêu thị. Ngay trong buổi kết nối, hai doanh nghiệp An Giang là Thuận An và Việt An đã ký được hợp đồng phân phối với Hapro và Lan Chi – những đơn vị phân phối hàng đầu Hà Nội.
Các đơn vị phân phối tại Hà Nội cũng góp ý thẳng thắn cho một số hàng hoá của tỉnh An Giang: chế biến theo phương pháp thủ công nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản lượng chưa đủ cho những đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý hai địa phương khá xa, vận chuyển hàng hoá chi phí cao, giá thành bị đội lên làm mất lợi thế cạnh tranh. Mặt khác, những mặt hàng như hoa quả hoặc đặc sản địa phương chế biến theo phương pháp thủ công nên rất khó được siêu thị chấp nhận về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, tổng giám đốc hệ thống siêu thị Intimex góp ý, doanh nghiệp An Giang nên để ý đến khẩu vị của người tiêu dùng miền Bắc là không ăn quá nhiều đường, muối; bao bì sản phẩm cần ghi cách chế biến và nên quảng bá sản phẩm nhiều hơn.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, hiệu trưởng trường đại học Kinh tế (đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, tiềm năng phân phối các sản phẩm của An Giang tại Hà Nội là rõ ràng. Tuy nhiên để biến ý tưởng thành hiện thực cần có sự phân tích thấu đáo và quyết tâm của lãnh đạo hai địa phương. Trường sẽ xây dựng thí điểm phương án tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực của An Giang.
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, trong tham luận về “Giải pháp phân phối sản phẩm của An Giang trên thị trường Hà Nội” đã phân tích về cơ hội của hàng An Giang với ba kênh: hiện đại, truyền thống và Horeca (nhà hàng khách sạn) và đã nêu những khuyến nghị: An Giang nên phối hợp cùng một số tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long cùng đưa hàng ra thị trường Hà Nội để chia sẻ chi phí khảo sát, vận chuyển, quảng bá… và nên lập bộ phận chuyên trách theo đuổi việc thâm nhập thị trường thật kiên nhẫn và thường xuyên; chú ý tận dụng cơ hội thị trường ở cả hai tuyến hoạt động: các chương trình xúc tiến của tổ chức, cơ quan, hội đoàn; và hoạt động chủ động, đi chuyên sâu với phân khúc khách hàng mục tiêu của từng doanh nghiệp.
Bước đầu, việc hợp tác giữa Hà Nội và An Giang đã mở ra một hướng đi mới cho sản vật hai miền. Liên kết nhiều doanh nghiệp nhỏ, thậm chí, nhiều tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, dưới sự “bảo lãnh” của chính quyền, sẽ giúp doanh nghiệp giảm khâu trung gian, ổn định giá cả sản phẩm và dần chuyên nghiệp hoá sản phẩm, dịch vụ của mình.
Theo Sài Gòn tiếp thị