Cụ thể, từ trước nay, đối với các thị trường tập trung gồm Philippines, Malaysia, Indonesia, hợp đồng xuất khẩu phải dựa trên thỏa thuận của chính phủ hai nước. Tại Việt Nam, Chính phủ giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ định một doanh nghiệp đứng ra đàm phán ký kết, cụ thể là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), sau đó về phân chia cho các doanh nghiệp hội viên VFA.
Những doanh nghiệp khác dù có nhận được lời chào mời ký hợp đồng cũng không được phép. Điều này đã gây nhiều bức xúc, các doanh nghiệp nghĩ VFA đang độc quyền thị trường tập trung.
Trong buổi họp Ban Chấp hành hằng tháng diễn ra hôm qua (1/2) tại TP HCM, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết Bộ Công Thương vừa đồng ý với kiến nghị của VFA, cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu gạo thơm, nếp và tấm vào thị trường tập trung nhằm tận dụng cơ hội thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo.
Ông cũng cho biết lượng hợp đồng đã ký tháng 1 lên đến 1,24 triệu tấn gạo các loại, tăng 183% so với cùng kỳ năm 2012. Nếu gộp cả lượng gạo xuất khẩu đã ký trong năm 2012 thì tính đến hết ngày 31/1, số lượng gạo sẽ giao theo hợp đồng lên tới 1,87 triệu tấn các loại, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến, số lượng gạo xuất khẩu trong tháng 2 lên đến gần 1,5 triệu tấn, hợp đồng tập trung 440.000 tấn, hợp đồng thương mại hơn 1 triệu tấn.
VFA thông báo sẽ bắt đầu áp dụng lại giá sàn xuất khẩu gạo 5% tấm và nâng giá lên 410 USD một tấn thay vì 390 USD mỗi tấn như hiện nay, riêng giá sàn gạo 35% tấm là 365 USD một tấn. Động thái này nhằm khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu chưa nên vội vàng bán ra khi giá gạo Việt Nam đang thấp hơn của Pakistan và Ấn Độ 30-40 USD một tấn.
Một vấn đề nóng khác là việc thu mua tạm trữ lúa gạo. Nông dân đã thu hoạch xong, giá rớt thê thảm mà không thương lái nào chịu mua cho nên rất cần doanh nghiệp “xắn tay” vào ngay để kéo giá lên. VFA cho biết qua kỳ nghỉ tết Nguyên đán sẽ triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân, bắt đầu từ ngày 20/2 đến 31/3, trong đó tập trung mua vào 20 ngày đầu để giữ giá lúa không bị giảm.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, với lượng hợp đồng đã ký phải giao thời gian tới cùng việc mua tạm trữ sẽ giúp ổn định giá lúa và có thể nhích lên so với hiện nay. Tuy nhiên, một số cho rằng nếu việc thu mua tạm trữ tiến hành liền sau vụ thu hoạch thì tốt hơn cho nông dân.
(Theo Pháp luật TP HCM)