"Hai bên đã thảo luận về cách Anh có thể giúp Afghanistan giải quyết khủng hoảng nhân đạo, tầm quan trọng của việc ngăn đất nước trở thành nơi phát triển chủ nghĩa khủng bố, cùng nhu cầu được tiếp tục đi lại an toàn của những người muốn rời Afghanistan", Văn phòng Đối ngoại Anh hôm nay cho biết, đề cập đến cuộc hội đàm giữa Gass, đại diện cấp cao tại Afghanistan của Thủ tướng Boris Johnson, với Taliban tại Kabul.
"Họ cũng đề cập đến cách đối xử với những nhóm thiểu số, quyền của phụ nữ và các bé gái", văn phòng cho biết thêm. Các lãnh đạo Taliban tham gia cuộc hội đàm bao gồm hai phó thủ tướng lâm thời Afghanistan Mullah Baradar và Abdul Salam Hanafi, cùng ngoại trưởng chính quyền lâm thời Amir Khan Muttaqi.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Afghanistan Abdul Qahar Balkhi cho biết hai bên "tập trung vào những cuộc thảo luận chi tiết về việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước".
Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan và thành lập chính phủ mới, Taliban đã đưa ra những động thái ôn hòa hướng đến sự công nhận từ cộng đồng quốc tế, tuyên bố sẽ thay đổi so với thời kỳ cầm quyền hà khắc từ năm 1996 đến 2001. Tuy nhiên, các nước trên thế giới vẫn tỏ ra chần chừ, trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Taliban không tuân thủ cam kết.
Nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế của Taliban được cho là đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc vực dậy nền kinh tế đang khủng hoảng trầm trọng. Trước khi Taliban kiểm soát đất nước, khoảng 18 triệu người, tức một nửa dân số Afghanistan, vốn sống phụ thuộc vào các nguồn viện trợ. Các quan chức Liên Hợp Quốc và tổ chức viện trợ lo ngại con số này sẽ tăng lên do hạn hán, thiếu tiền mặt và lương thực dưới thời chính quyền mới.
Việc các quốc gia đột ngột dừng viện trợ hàng tỷ USD cho Afghanistan sau khi chính quyền cũ sụp đổ càng khiến khó khăn chồng chất. Tại hội nghị do Liên Hợp Quốc tổ chức tháng trước, cộng đồng quốc tế đã cam kết viện trợ khẩn cấp hơn một tỷ USD cho Afghanistan.
Ánh Ngọc (Theo AFP, Reuters)